“ Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả”

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 06:28, 04/02/2016

Moitruong.net.vn Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường

( Moitruong.net.vn ) – Từ khi lực lượng Cảnh sát môi trường ra đời và khám phá một loạt vụ vi phạm pháp luật về môi trường quan trọng, tạo ra một “dấu ấn” trong lòng nhân dân, đã có rất nhiều bài viết về chiến công của lực lượng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49). Thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, tìm gặp các đồng chí Lãnh đạo Cục C49 những ngày này thật khó vì các đồng chí đang tất bật chỉ đạo toàn đơn vị triển khai các kế hoạch phòng chống tội phạm trong năm 2016, kế hoạch bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ 12 và cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016… Tranh thủ những phút giải lao, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống  đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng – Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49).

lý

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng – Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49).

MT&CS:  Xin đồng chí đánh giá về những thành tích và khó khăn, vướng mắc của lực lượng Cảnh sát môi trường năm 2015?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: xử lý chất thải; nhập khẩu phế liệu; buôn bán động vật hoang dã; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh. Qua đó đã phát hiện 13.784 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, làm rõ 11.118 cá nhân; 2.474 tổ chức  vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 17,5% so với năm 2014); xử phạt vi phạm hành chính 8.205 vụ, 2.077 tổ chức, 6.863 cá nhân; phạt tiền 110,77 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 232 vụ, 314 đối tượng.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường gặp một số thuận lợi và khó khăn sau:

Về thuận lợi, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp; sự phối hợp của các ngành chức năng; sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ vững vàng, có tâm huyết, nhiệt tình với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Năm 2015 Quốc Hội đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, đã được  Chủ tịch nước công bố và có hiệu lực thi hành kể từ 5/6/2015 đây là cơ sở Pháp lý quan trọng cho lực lượng Cảnh sát môi trường hoạt động.

Về khó khăn: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn 1 số bất cập, mặc dù hiện nay đang được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, do chưa có hiệu lực pháp luật nên chưa áp dụng dược đặc biệt là các văn bản áp dụng xử lý hình sự và các văn bản quy định về thẩm quyền của Cảnh sát PCTP về môi trường.

Tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã đ­ược triển khai theo mô hình mới như­ng còn thiếu đồng bộ. Theo quy định của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị định số 105 thì lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường được triển khai ở cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện, nhưng hiện tại lực lượng CSMT mới chỉ được bố trí ở CA cấp quận, Thành phố, thị xã nên công tác chỉ đạo, hư­ớng dẫn, thực hiện vẫn rất khó khăn. Bên cạnh đó đối tượng vi phạm pháp luật về BVMT phần lớn là có trình độ chuyên môn cao do đó phương thức thực hiện TP rất tinh vi, thậm chí còn dùng nhiều thủ đoạn nhằm che dấu hành vi vi phạm hoặc chống đối, cản trở gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.

Điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở làm việc chật hẹp, trang thiết bị mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu công tác;

MT&CS:  Năm 2015, Cục Cảnh sát môi trường đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP, xin đ/c cho biết một số thông tin về quá trình khám phá thành công vụ việc trên?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, ban chỉ đạo 389, lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, vừa làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, vừa chủ động, kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp công tác, phát hiện, đấu tranh, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP gây bức xúc trong xã hội, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết quả năm 2015, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.365 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 2.400 vụ, số tiền 16,86 tỷ đồng. Tính riêng trong 2 tháng triển khai Kế hoạch số 235/KH-BCA của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 428 vụ vi phạm, khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng, xử lý hành chính 341 vụ, số tiền xử phạt 2,5 tỷ đồng.

Điển hình như: Cục C49 phát hiện: Công ty TNHH Trường Phú (Hải Dương) sử dụng 15,22kg chất vàng ô, 60 kg nguyên liệu tinh chứa chất vàng ô và chất sabutamol trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Công ty TNHH thủy sản Seabird (Tp Hồ Chí Minh) phát hiện Công ty này đang bán salbutamol cho đối tượng sử dụng trong chăn nuôi. Cục phối hợp với PC44 Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang đối tượng Đặng Thị Thu Hà đang tổ chức sản xuất mỳ chính, hạt nêm giả, thu giữ hơn 7 tấn sản phẩm cùng trang thiết bị, máy móc dùng để sản xuất hàng giả. PC49 Công an TP Hà Nội bắt quả tang đối tượng sản xuất hơn 20 tấn thực phẩm chức năng giả, đã chuyển cho Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định.

MT&CS:  Tết nguyên đán Bính thân 2016, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được người dân đặc biệt quan tâm, vậy xin đ/c cho biết, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã triển khai giải pháp nào để phòng chống vi phạm trên lĩnh vực này?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý :Theo quy luật, thường vào các dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng cao. Để tổ chức tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đảm bảo cho nhân dân vui đón Tết Nguyên đán 2016 an toàn, lực lượng Cảnh sát môi trường tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

– Tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai thực hiện quyết liệt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo TTATXH, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 và trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

– Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, thông qua các biện pháp nghiệp vụ quản lý giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm trái quy định pháp luật để có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe, yêu cầu cam kết không vi phạm và chủ động đấu tranh xử lý với các hành vi vi phạm.

– Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm về an toàn thực phẩm như: Ðộng vật, sản phẩm động vật, thủy sản; các loại rau, củ, quả, đồ uống, bánh mứt kẹo và các thực phẩm truyền thống (ô mai, giò, chả, bánh chưng…); các loại phụ gia, chất bảo quản thực phẩm (mỳ chính, chất tạo ngọt, men ruợu, bột gia vị, chất tạo nạc…); các loại thực phẩm vận chuyển từ các vùng công bố dịch.

– Phối hợp với các lực lượng: Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường, Thanh tra về ATTP, Thú y… tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân để phát hiện, xử lí

MT&CS:  Phương hướng, nhiệm vụ của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường trong năm  2016 là gì, thưa Ông ?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Năm 2016, dự báo tình hình tội phạm và VPPL về môi trường tài nguyên ATTP tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như ATTP; xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản…để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác PCTP và VPPL về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau :

Xác định việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an là điểm tựa; Công tác xây dựng lực lượng làm then chốt, lấy các vụ án, chuyên án lớn làm khâu đột phá ; quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt cho CBCS.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm công tác phòng chống TP về môi trường giai đoạn 2006- 2016, trọng tâm là tổ chức Hội nghị tổng kết cấp Bộ và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát môi trường.

Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra thực hiện các Chỉ thị, Thông tư của BCA hướng dẫn về công tác NVCB của lực lượng CSND, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm để tổ chức đấu tranh với một số chuyên án lớn, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn PC49 các địa phương.

Bám sát khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND “ Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Bộ và cuộc vận động xây dựng tiêu chí “Cảnh sát môi trường Đoàn kết – Kỷ cương – Trí tuệ – Hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện “ Quy tắc ứng xử của lực lượng Cảnh sát môi trường”

Tổ chức tốt công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật và kinh phí phục vụ công tác; từng bước tư xây dựng Trung tâm kiểm định về môi trường thành một Trung tâm kiểm định đạt chuẩn quốc gia, có năng lực kiểm định, giám định độc lập; kết quả giám định, kiểm định có giá trị pháp lý phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; tiến tới phục vụ cả mục đích dân sinh.

MT&CS: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

   

Theo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống