Tổng Bí thư: Kê khai tài sản vẫn hình thức, dân chưa đồng tình
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:21, 04/01/2016
(Moitruong.net.vn) – Kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định, việc Bộ Chính trị ban hành các chỉ thị về PCTN như Chỉ thị 33 về kê khai tài sản, Chỉ thị 50 về tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng là rất cần thiết, nhưng điều quan trọng phải làm sao để các văn bản này đi vào cuộc sống.
“Kê khai thài sản vẫn còn mang tính hình thức, tôi đi tiếp xúc cử tri, dân chưa đồng tình. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ hạn chế”- Tổng Bí thư nêu rõ.
Tại Phiên họp thứ 9, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã cho ý kiến thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng như: Tiến độ thực hiện Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 8; kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến nay; kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế-xã hội tại địa phương theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương; dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác PCTN năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; dự thảo Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sự chuẩn bị của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho phiên họp, trong đó có dự thảo các văn bản, báo cáo cần thiết. Tuy nhiên, tính khái quát của các báo cáo sơ kết, tổng kết chưa cao, nhất là đánh giá về tình hình tham nhũng, đánh giá về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đội ngũ làm công tác chuyên trách về PCTN. Tổng Bí thư chỉ đạo cần đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN năm 2015 và 3 năm qua gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nên chú ý đánh giá toàn diện, tổng thể về tình hình, kết quả công tác PCTN cả trung ương và địa phương, các cấp, các ngành. Trong đó, cần làm rõ, trong khi Trung ương chỉ đạo PCTN bài bản, quyết liệt, hiệu quả, nhưng địa phương có làm được như thế hay không.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận
Tổng Bí thư đồng tình với phân tích, đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo về tác dụng răn đe, đẩy lùi tình trạng tham nhũng xuất phát từ sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đặc biệt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “6/8 vụ án tham nhũng đã được xét xử là rất mừng. Đây là các vụ án phức tạp, nên kết quả này rất rõ, không ai phủ nhận được.” Vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN còn được khẳng định bằng việc thảo luận, phân tích và chỉ ra chính xác các khâu yếu trong PCTN để chỉ đạo khắc phục như: Tại các phiên họp trước, Ban Chỉ đạo đã chỉ ra hạn chế về giám định tư pháp; yếu kém trong quản lý ngành ngân hàng, thuế, hải quan…
Tại phiên họp lần này, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ ra khâu yếu ở lĩnh vục thanh tra, kiểm toán. Kết quả quan trọng trong PCTN những năm qua phải kể đến khâu hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, liên tục được dư luận trong nước và thế giới đánh giá tốt. Đây là giải pháp ngăn ngừa tham nhũng tận gốc rất cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tập trung thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại các bộ, ngành, địa phương trọng điểm nhằm thúc đẩy công tác PCTN. Tổng Bí thư nhận định rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với nhau ngày càng hiệu quả. Tiêu biểu là việc nhanh chóng đưa ra xét xử 6/8 vụ án tham nhũng phức tạp được Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng vẫn còn hiện tượng chờ đợi, né tránh. Đồng chí yêu cầu cần phải mạnh dạn phát biểu, nếu có sự khác biệt giữa các cơ quan trong quá trình phối hợp, Ban Chỉ đạo sẽ kết luận.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhận định, kết quả tuyên truyền về PCTN thời gian qua có nhiều tiến bộ, trong đó có đóng góp quan trọng của báo chí. Tuy nhiên, tuyên truyền về PCTN vẫn còn dè dặt quá. Kết quả xử lý, phát hiện vụ án, vụ việc tham nhũng nhiều và quyết liệt, nhưng thông tin chưa đầy đủ. Tổng Bí thư chỉ đạo cần phải sớm có cơ chế để cung cấp thông tin cho báo chí.
Đề cập đến những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử lý, Tổng Bí thư- Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, một số việc, một số khâu vẫn chậm, còn vướng mắc; có vụ điều tra quyết liệt, có vụ chưa quyết liệt. Khâu thu hồi tài sản cũng cần phải tiếp tục tăng cường để nâng cao tỷ lệ tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng. Các vụ án tham nhũng lớn đã được khám phá, xử lý quyết liệt; nhưng tình trạng tham nhũng vặt còn rất phức tạp, như một thứ “ghẻ ruồi” rất khó chịu, đến đâu cũng phải bôi trơn…Tổng Bí thư yêu cầu, cần tăng cường lực lượng PCTN trong các ngành thuế, hải quan; tăng cường công tác thanh tra; đội ngũ làm chuyên trách PCTN cũng cần được tăng cường về trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về phương hướng, Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, một trong những vấn đề dân bức xúc nhất bây giờ vẫn là tham nhũng. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ; ngày càng phức tạp. Cho rằng nếu không giải quyết đươc tham nhũng, Đảng sẽ phải đối mặt với nguy cơ, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Chỉ đạo phải thấy hết trách nhiệm để quyết tâm cao hơn, làm sao để sau Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN là rất cần thiết, để rút ra những bài học kinh nghiệm, để xác định nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Tổng Bí thư khẳng định, đấu tranh PCTN đòi hỏi tinh thần quyết liệt, kiên trì, kiên quyết và có phương pháp đúng. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tiếp tục đào tạo cán bộ làm công tác tư pháp, sao cho mỗi người phải gương mẫu, trong sáng, liêm khiết, đặc biệt là trong công tác luôn luôn “đúng vai, thuộc bài”, nghĩa là làm đúng chức năng, nhiệm vụ, nắm chắc các quy định pháp luật và phối hợp cho tốt.
Tổng Bí thư- Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đánh giá cao kết quả công tác của Ban Nội chính Trung ương, đã hoạt động rất tích cực, có trách nhiệm ngay cả khi chưa có trưởng ban. Đồng chí mong lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương tiếp tục gương mẫu về mọi mặt, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, giúp cho Ban Chỉ đạo.
Theo HNM