Đoàn tổng kiểm tra Formosa sẽ làm những gì?
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:50, 04/05/2016
(Moitruong.net.vn) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký quyết định kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị của Formosa đang hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra nhà máy xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Tuổi trẻ.
Theo quyết định tổng kiểm tra Formosa thì ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao làm Trưởng đoàn.
Các ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng Cục Môi trường) và ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh làm Phó Trưởng đoàn.
Thành phần đoàn kiểm tra có đại diện các đơn vị: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Năng lượng và nguyên tử Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng.
Ngoài ra đoàn còn có một số cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
Quyết định nêu rõ:
Thành lập đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng, đơn vị tham gia phân tích mẫu môi trường và đo đạc mẫu liên quan, nội dung báo cáo của các đơn vị được kiểm tra.
Theo quyết định, đoàn công tác được chia làm 6 tổ, bao gồm:
Tổ 1 do PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm Tổ trưởng.
Tổ này sẽ kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với Xưởng phân tách khí, Nhà máy luyện Cốc, Nhà máy luyện thép, gang và các hạng mục công trình khác có liên quan.
Tổ 2 do PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm Tổ trưởng.
Tổ sẽ đi kiểm tra về bảo vệ môi trường với nội dung nhập khẩu, mua bán và sử dụng hóa chất và hoạt động súc rửa đường ống của dự án và các nhà thầu tham gia có liên quan.
Tổ 3 do PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng làm Tổ trưởng.
Tổ này sẽ kiểm tra việc bảo vệ môi trường với các công trình thu gom, vận chuyển và xử lý nước sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp, việc nhập khẩu và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải.
Đồng thời kiểm tra xưởng xử lý nước cấp, hệ thống thoát nước mưa và nước thải của toàn bộ dự án.
Tổ 4 do TS Trinh Thành, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội làm Tổ trưởng.
Tổ này sẽ kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại Nhà máy nhiệt điện – Tổ máy số 1 của Formosa và các công trình phụ trợ khác của Formosa và Công ty Điện lực dầu khí Vũng Áng.
Tổ 5 do ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng Cục Môi trường) làm Tổ trưởng.
Tổ này sẽ kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại xưởng bảo dưỡng thiết bị, Cảng Sơn Dương, nhà máy cán thép – phôi nhập khẩu, các công trình phụ trợ của Formosa, Trung tâm dịch vụ và hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng.
Tổ 6 là tổ tham mưu tổng hợp do ông Vũ Kim Tuyển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Môi trường làm Tổ trưởng, hoạt động theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra.
Ngay sau quyết định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các Bộ Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, đại diện UBND 4 tỉnh miền Trung về việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường.
Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các Bộ, cơ quan cử cán bộ có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra nêu trên.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND 4 tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở, khu công nghiệp, khu kinh tế còn lại đang hoạt động xả thải trên địa bàn.
Bộ cũng đề nghị các tỉnh xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 25/5, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trong chiều 3/5, được sự đồng ý của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một đoàn chuyên gia gồm 5 nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, Nhật bản và Israel đã cùng một số nhà khoa học Việt Nam lên đường vào Hà Tĩnh để có những đánh giá về nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Hoạt động của đoàn này độc lập và sẽ có đánh giá thêm về kết quả của đoàn kiểm tra vừa được thành lập.
Trong ngày 3/5, một số địa phương đã phát hiện thêm hiện tượng cá chết, tuy nhiên, số lượng không nhiều.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng Cục Môi trường chỉ đạo các đơn vị, trung tâm quan trắc trong hệ thống quan trắc QG tăng tần suất quan trắc nước biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Cụ thể, tăng tần suất từ 2 – 3 lần/ ngày và thường xuyên cung cấp số liệu đến các địa phương trong vùng, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân.
Nếu có vấn đề gì bất thường cần đưa ra cảnh báo kịp thời đối với nhân dân.
Theo Trí Thức Trẻ