Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2016
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:54, 29/09/2016
(Moitruong.net.vn) – Ngày 29/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì lễ công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2016.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác quản lý và bảo vệ môi trường đang đứng trước những thách thức lớn trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, hiện trạng, tác động và xu hướng các vấn đề có liên quan đến môi trường Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp nhằm quản lý và bảo vệ môi trường. Ngay sau lễ công bố này, Báo cáo sẽ được gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển đất nước một cách bền vững và thịnh vượng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại lễ công bố – Ảnh: Hoàng Minh |
Chất lượng môi trường tiếp tục suy giảm
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 gồm 10 chương. Bao gồm những vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và sức ép đối với môi trường; các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; hiện trạng chất thải rắn, những vấn đề còn tồn tại trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; phân tích diễn biến chất lượng môi trường nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển), không khí và đất…
Trong đó, báo cáo đã chỉ rõ những tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, như: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân vẫn còn hạn chế. Nhiều địa phương chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu tính khả thi, thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực quản lý còn hạn chế, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ còn thiếu và yếu, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Chất lượng môi trường tại một số nơi vẫn đang tiếp tục bị suy giảm. Sức ép từ phát triển KT-XH cùng với BĐKH và thiên tai đã và đang làm gia tăng nhiều áp lực đối mới môi trường, gây ra những vấn đề bức xúc về môi trường, tác động tới sức khỏe của người dân.Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), thậm chí, ô nhiễm còn có xu hướng mở rộng phạm vi lên một số khu vực thượng nguồn, vùng nông thôn. Hiện tương xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung…
Mặc dù vậy, báo cáo cũng khẳng định so với giai đoạn trước, công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật được kiện toàn và được đánh dấu bằng việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; nhận thức về BVMT của các cấp ngành được nâng lên đáng kể…
Đưa ra các kiến nghị
Từ các phân tích của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, đồng thời, trên cơ sở những chỉ đạo, định hướng của Quốc hội và Chính phủ, Báo cáo đề xuất một số kiến nghị như: Rà soát sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch; về lâu dài, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT theo hướng ban hành luật môi trường hoặc bộ luật môi trường. Đồng thời, xem xét phương án nâng tầm cơ quan quan lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, tương xứng với yêu cầu của thực tiễn; tăng tỷ lệ cho ngân sách cho hoạt động môi trường…
Toàn cảnh lễ công bố |
Theo các nhà hoa học, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2016 sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu mà còn đối với tất cả chúng ta, những người đã, đang và sẽ góp sức mình bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.Đối với các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật – công nghệ phù hợp, kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra,giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải, đặc biệt là các nguồn xả nước thải lớn ra các khu vực dễ bị tổn thương như vùng duyên hải, ven biển…; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để; Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường ở các cấp, các ngành…
Theo Mai Chi/Báo TN&MT