Bỏ ống hút nhựa: Cuộc thách thức từ trào lưu bảo vệ môi trường của giới trẻ

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 03:33, 12/04/2019

– Phong trào NoStrawChallenge – Không sử dụng ống hút nhựa ngay lập tức ra đời, thách thức mọi người hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần trong cuộc sống hàng ngày. Trào lưu trên phát triển khá mạnh ở nước ngoài, dần trở thành lối sống đối với một số bạn trẻ yêu môi trường.

>>> Tích hợp năng lượng mặt trời với mạng lưới điện: Thách thức và công nghệ

>>> Bức ảnh đầu tiên trong lịch sử về hố đen vũ trụ đã lộ diện

Ống hút làm bằng bột gạo với màu sắc tự nhiên từ rau củ quả, ở quán Sado Chado Cantavil quận 2,TP.HCM. Ảnh: Trung Nghĩa

Mới đây nhất, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã có quyết định từ tháng 5.2019 chuỗi hệ thống bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước của Saigon Co.op sẽ hoàn toàn ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa.

Trào lưu trên phát triển khá mạnh ở nước ngoài, dần trở thành lối sống đối với một số bạn trẻ yêu môi trường, đặc biệt là sau khi xuất hiện video nhóm bạn cứu được một con rùa biển và phát hiện ra có ống hút nhựa mắc kẹt trong mũi chú rùa này.

Ở Việt Nam, theo mạng lưới hoạt động vì môi trường Thế Hệ Xanh, tuy chưa trở thành một trào lưu nhưng cũng đã xuất hiện một số cộng đồng quan tâm tới việc thay thế ống hút nhựa.

Đã có rất nhiều nhóm, cá nhân thúc đẩy giải pháp thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox… Một số cửa hàng thức uống đã thực hiện được giải pháp trên như The Organik House, Pilosa Garden, Tổ Chim Xanh, Reng Reng Café…

Không chỉ loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa ra khỏi quầy kệ trong khu tự chọn của các siêu thị, Saigon Co.op cũng chủ động loại bỏ các loại ống hút nhựa đính kèm cùng các sản phẩm hàng nhãn riêng; đồng thời thông báo yêu cầu các gian hàng thuê mặt bằng trong khu tự doanh hạn chế tối đa sử dụng ống hút nhựa.

Ống hút tre dùng được nhiều lần đang được bạn trẻ Việt yêu thích – Ảnh: Ống hút tre

Cùng với đó, chuỗi hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ thay ống hút nhựa bằng ống hút bột gạo, ống hút giấy thân thiện với môi trường. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thêm lựa chọn từ các loại ống hút bằng inox, thép an toàn, thủy tinh dành cho cá nhân có thể sử dụng nhiều lần.

Đây là hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam đưa ra quyết định táo bạo với ống hút nhựa, nhằm hướng đến chiến dịch bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại. Trước đó, Saigon Co.op cũng là một trong những nhà bán lẻ sử dụng lá chuối để gói các sản phẩm thực phẩm, như một cách cổ vũ lối sống thân thiện với môi trường.

Nắm bắt xu hướng sống xanh, sạch, thân thiện môi trường, hàng loạt nhà hàng, tiệm quán như Sado Chado Cantavil quận 2, Pizza4P’, Secret Garden, Thinker&Dreamer, The Running Bean Coffee… ở Sài Gòn, hay Tổ Chim Xanh, X Corner, Reng Reng… tại Hà Nội và nhiều quán chay đã thay thế ống nhựa bằng ống hút inox, hay ống rau, ống sả, ống cỏ bàng, ống hút giấy…

Trên thế giới, nhiều tên tuổi lớn đã đưa ra lộ trình loại bỏ những ống hút nhựa, như Starbucks, McDonald hay Bon Appétit. Alaska Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên bỏ ống hút nhựa.

Anh Lê Quang Nguồn, phụ trách quán Unito tại quận 3 cho hay, dù không phải tất cả mọi khách hàng đều sẵn sàng bỏ ống hút nhựa, nhưng xu hướng dùng ống hút thân thiện môi trường đang được giới văn phòng và bạn trẻ ủng hộ nhiệt tình: “Quán chúng tôi dùng ống cỏ bàng sấy khô do một số gia đình ở Long An cung cấp, hầu hết khách hàng đều thích thú và hỏi thăm mua về dùng ở nhà”.

Theo anh Nguồn, giá ống cỏ bàng sấy khô còn khá mắc: 1.000 đồng/ống, còn ống tươi là 600 đồng. Anh chia sẻ thêm, nếu muốn sử dụng ống hút dùng nhiều lần có thể chọn ống inox, ống thủy tinh hoặc ống tre. Còn với loại ống dùng một lần thì thị trường đã có ống giấy, cỏ, rau và gạo.

Trào lưu sử dụng ống hút thân thiện môi trường cũng giúp nhiều công ty, hộ gia đình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường.

Gia đình anh Lê Xuân Hà ở Thanh Hóa được biết đến với 10 sản phẩm trên bàn ăn bằng tre nứa, riêng ống hút sản xuất khoảng 100.000 chiếc mỗi tháng.

Thầy giáo trẻ Trần Minh Tiến ở Long An cũng nổi tiếng với ống hút bằng tre, trong khi anh Lê Văn Tiến ở Long An được ghi nhận là một trong những người thành công khi đưa sản phẩm ống hút cỏ bàng sấy khô ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm này khá hạn chế, hoàn toàn làm thủ công.

Trong khi đó, Công ty TNHH thực phẩm Hùng Hậu (Đồng Tháp) đang được coi là một trong những công ty Việt Nam sản xuất ống hút từ bột số lượng lớn, không chỉ cung cấp thị trường nội địa mà còn nhắm tới các nước đang quan tâm xu hướng xanh như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Ống hút làm từ bột, sử dụng một lần, bảo quản trong môi trường bình thường khoảng 18 tháng, giữ nguyên dạng trong môi trường nước nhiệt độ bình thường và nước lạnh trong khoảng 30 phút đến 2 tiếng… của Công ty TNHH thực phẩm Hùng Hậu. Ảnh: Ngọc Tài

Diễn viên Hồng Ánh, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường, cho biết sự có mặt mới đây của ống hút làm từ bột gạo, màu sắc từ rau củ quả, là một sáng kiến tốt: “Rất tiện lợi, hút xong ăn cũng được, không thích thì bỏ đi. Tôi ủng hộ những doanh nghiệp từ những điều nhỏ nhất nghĩ ra được giải pháp thay thế…”.

Ước tính, hằng năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa, phần lớn là loại dùng một lần như chai, túi và ống hút đổ ra biển. Có trên 8 tỉ ống hút nhựa đang gây ô nhiễm nặng các bãi biển, theo nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ năm 2018. Khoảng 100.000 động vật biển, đặc biệt là những loài được liệt vào danh sách bảo tồn, bị đe dọa tuyệt chủng và cả triệu chim biển chết do hấp thụ nhựa từ ống hút vì lầm tưởng là thức ăn. Việt Nam được xếp vào top 5 nước thải rác nhựa. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra khoảng 80 tấn nhựa và bao nilon.

Hơn 120 nước cho biết đã, đang đưa ra lộ trình cấm sử dụng đồ dùng nhựa sử dụng một lần như ống hút nhựa, bịch nilon tại các cửa hàng ăn uống, hay siêu thị. Nhiều nước đã áp thuế, phí cao hơn đối với việc sản xuất và sử dụng các loại vật dụng này. Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam cho hay đang cân nhắc đưa ra lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút nhựa, nhưng trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay rất nghiêm trọng, số lượng chất thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilông ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, chiếm 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Đây được cho là bước đi đúng đắn dù khá chậm trễ, bởi nhiều đô thị Việt Nam đã trở thành nạn nhân của thói quen thiếu ý thức của người dân. Chưa kể đến việc rác thải nhựa tốn kém chi phí xử lý, gây độc hại môi trường và mất nhiều thời gian để phân hủy, một trong những nguyên nhân gây ngập lụt tại các đô thị sau trận mưa lớn là hàng loạt rác thải nhựa dùng một lần vứt bỏ bừa bãi đã lấp đầy miệng cống thoát nước.

Thu Phương  (t/h)

Thu Phương  (t/h)