Tuyên Quang: Tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:04, 09/04/2019

– Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả tích cực, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm dần nạn phá rừng, mất rừng. Đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh tốp đầu cả nước về diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước với 64,9%…

>>> Ninh Thuận: Rùa Xanh nặng gần 20 kg bị cắt đứt lìa 2 vây chết trôi dạt trên biển

>>> Lúa hè thu chết sớm: Nông dân không theo khuyến cáo của địa phương

Ảnh minh họa

Tuyên Quang Là tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng khai thác toàn vùng; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 64,9%, là một trong 3 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất trong cả nước; thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích trên 19.878 ha, chiếm 8,7% diện tích rừng được cấp chứng chỉ của cả nước. Bảo vệ tốt 420.890 ha rừng hiện có; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2018 đạt trên 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8 % so với năm 2017.

Hiện tỉnh có gần 423.000 ha rừng (rừng tự nhiên trên 233.000 ha; rừng trồng hơn 189.000 ha). Để phát huy lợi thế về đất lâm nghiệp, những năm qua, đi đôi với công tác chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có, việc trồng mới và trồng lại rừng ở những diện tích đã khai thác được các địa phương trong tỉnh chú trọng.

Để có được kết quả trên, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ như: tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng lực lượng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, quan tâm tới việc quy hoạch vùng rừng nguyên liệu, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quản lý giống cây lâm nghiệp; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng… Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Tỉnh đã thực hiện tốt việc giao kế hoạch trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục duy trì diện tích đã được cấp và tổ chức cấp mới theo kế hoạch cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Tuyên truyền vận động các chủ rừng thực hiện chuyển đổi từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và cộng đồng cùng tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được giữ vững và ngày càng phát huy được lợi ích từ rừng đem lại, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật có liên quan và hạn chế các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang đã chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đồng thời tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Thường xuyên nắm bắt, chia sẻ thông tin, chủ động phối hợp đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại rừng, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm, giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cả về số vụ và mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng.

Trong ba năm từ 2016 đến 2018, đã phát hiện và xử lý 1.770 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, năm 2016 có 679 vụ, năm 2017 có 562 vụ, năm 2018 có 529 vụ, các vi phạm chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính, số ít được xử lý bằng biện pháp hình sự. Năm 2016 xử lý hành chính 672 vụ, xử lý hình sự 07 vụ, năm 2018 xử lý hành chính 516 vụ; xử lý hình sự 13 vụ.

Các vi phạm tập trung vào một số hành vi như: Khai thác rừng trái phép; phá rừng trái phép; vận chuyển lâm sản trái pháp luật; mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép; vi phạm thủ tục hành chính; vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng; vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng và vi phạm khác. Quá trình xử lý đã tịch thu nhiều loại lâm sản là các loại gỗ, động vật rừng cùng nhiều loại công cụ, phương tiện khác.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang còn duy trì thường xuyên công tác kiểm tra: Việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại các Hạt Kiểm lâm; kiểm tra việc lập hồ sơ, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong toàn lực lượng; thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thuộc lĩnh vực Kiểm lâm.

Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, tổ chức cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ban hành kèm theo Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 26/10/2013 của UBND Tỉnh. Xây dựng Kế hoạch phòng chống tham nhũng để triển khai trong toàn lực lượng Kiểm lâm; 100% công chức Kiểm lâm thuộc đối tượng phải kê khai thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản theo đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục: Một số quy định trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cá nhân, tổ chức nhận thức chưa đầy đủ đã tự ý phá rừng để chiếm đất; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp của Kiểm lâm có nơi còn yếu, bị động; biên chế của Kiểm lâm thiếu, trình độ năng lực một số cán bộ còn yếu về nghiệp vụ, trách nhiệm chưa cao; cơ sở vật chất, phương tiện trang bị thiếu thốn.v.v..

ác cơ quan báo, đài cần phối hợp với Sở NN&PTNT thông tin kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng phóng sự tuyên truyền về các mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; đưa tin về gương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phản ánh những cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, mất rừng,phá rừng trái pháp luật.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; cháy rừng nghiêm trọng mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, thì lãnh đạo địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Hà An (t/h)

   

Hà An (t/h)