Thái Nguyên: Tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 02:45, 17/01/2017
(Moitruong.net.vn) Vừa qua tại xã La bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn thuộc Hội làm vườn Việt nam, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với một số ngành và huyện Đại Từ thực hiện dự án tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức cho hơn 50 cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của ba xã: La Bằng, Mỹ Yên, Hoàng Nông.
Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ chính quyền, các cơ quan liên quan và các thành viên của cộng đồng địa phương để đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ về các nội dung: Luật Đất đai năm 2013, bình đẳng giới, quyền có tên của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và các kỹ năng truyền thông, kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Đồng thời cũng trong dịp này, ban tổ chức đã thiết kế và phát tài liệu gồm: 3000 tờ rơi, 75 áp phích, 600 cuốn sổ tay có câu hỏi giải đáp đơn giản, 600 cuốn lịch và 250 áo phông có thông điệp chính về GCNQSDĐ có tên của vợ và chồng.
Quang cảnh diễn ra buổi tập huấn
Tổ chức các buổi truyền thông về quyền có tên của phụ nữ trong GCNQSDĐ qua các hình thức phù hợp nhằm thay đổi hành vi và tính chủ động của các đối tượng.
Để phát huy nội dung trên hiệu quả, Trung tâm đã tổ chức dưới các hình thức như 03 cuộc thi kết hợp văn nghệ về hiểu biết quyền có tên của phụ nữ trong GCNQSDĐ; 03 cuộc diễu hành bằng xe mô tô để nâng cao và thúc đẩy quyền của phụ nữ tiếp cận đất đai và phổ biến các thông điệp chính về Luật Đất đai, bình đẳng giới và Luật Hôn nhân và gia đình thông qua các kênh thông tin đại chúng của địa phương.
Tổng kết đánh giá kết quả đạt được với 9000 thành viên cộng đồng tham gia, trong đó 60% là phụ nữ dân tộc thiểu số và các nhóm thiệt thòi khác được tiếp cận kịp thời và dễ hiểu, để cùng góp tiếng nói về quyền tiếp cận GCNQSDĐ có tên của cả vợ và chồng, cùng chia sẻ sáng kiến tạo ra thu nhập và các dịch vụ xã hội có chất lượng, đồng thời nâng cao kiến thức về các quyền cơ bản để giải quyết các vấn đề liên quan đến đói nghèo và dễ bị tổn thương như tiếp cận lương thực, tham gia vào quá trình ra quyết định, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Hiệu quả của dự án đã có tác động rất lớn đến môi trường sống của nhân dân các dân tộc của huyện Đại Từ. Đó là đại bộ phận người dân được tham gia vào các hoạt động tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực và cách thức truyền thông về quyền tiếp cận đất đai; các kỹ thuật canh tác mới trên đất đồi để sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; các hoạt động này sẽ mang lại giá trị gia tăng từ hiểu biết và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường bền vững để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước không bị khai thác cạn kiệt.
Hoàng Cường Quốc