Đà Nẵng chi 224 tỷ đồng để phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:06, 24/04/2019
– Đà Nẵng đề ra mục tiêu ít nhất 12% chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế vào năm 2020.
>>>Việt Nam lần đầu xây dựng con đường từ rác thải nhựa
>>>Tăng cường các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường Thủ đô
Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 mới được thông qua, góp phần hoàn thành tiêu chí tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, giảm áp lực về chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.
Theo đó, CTRSH thành phố được phân loại thành 4 nhóm chính gồm chất thải rắn tái chế, tái sử dụng (chứa các thành phần giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại); Chất thải rắn có thành phần nguy hại, gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng…; Chất thải rắn có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải vật liệu xây dựng; Chất thải rắn còn lại từ sinh hoạt, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác…
Đối với nhóm chất thải rắn tái chế, UBND Thành phố khuyến khích việc tổ chức phân loại chi tiết, phù hợp với điều kiện mỗi địa phương, đơn vị; sau năm 2023 sẽ xem xét tổ chức phân loại thêm các thành phần cao su, ni lông, thủy tinh…
Đối với nhóm chất thải vật liệu xây dựng, khuyến khích UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, xử lý phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương; UBND thành phố sẽ hướng dẫn và triển khai phân loại, thu gom, xử lý sau khi đưa vào hoạt động các trạm trung chuyển CTRSH của thành phố.
Đối với nhóm chất thải còn lại từ sinh hoạt, khuyến khích UBND các quận, huyện, các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý thêm các thành phần khác, ví dụ như thực phẩm quá hạn, thức ăn thừa, chất thải hải sản… phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị.
Phụ nữ Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) phân loại rác thải tại nguồn
Theo lộ trình thực hiện, năm 2019 sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại CTRSH tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố; tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng kế hoạch phân loại chi tiết cấp quận, huyện, tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hiện phân loại; chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Triển khai phân loại CTRSH từ tháng 7/2019 tại quận Hải Châu và từ tháng 9 tại các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố.
Dự kiến kinh phí thực hiện năm 2019 trên 224 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp thành phố, ngân sách sự nghiệp quận, huyện, ngân sách đầu tư thành phố và nguồn xã hội hóa đóng góp theo danh mục các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị của thành phố.
Giai đoạn năm 2020-2022 tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phân loại; triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng.
Giai đoạn năm 2023-2025 tiếp tục triển khai, hoàn thành kế hoạch phân loại CTRSH, đồng thời tổ chức đánh giá tổng kết kế hoạch, xây dựng kế hoạch giai đoạn mới.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng mới đây, lượng rác thải ngày càng lớn với khoảng hơn 1.000 tấn/ngày, trong đó, lượng rác thải rắn chiếm đến 16 – 17% chủ yếu là túi nilong và chai nhựa. Dù vậy, nguồn lực thu gom, vận chuyển chưa được đầu tư kịp thời, việc giảm trạm trung chuyển trong khi lượng rác thải đô thị ngày một tăng cao khiến việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, công nghệ để xử lý chất thải rắn của Đà Nẵng mới dừng ở việc chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, khối lượng ngày càng lớn đang khiến một số hố chôn có biểu hiện quá tải.
Trước tình trạng đó, Đà Nẵng đang có kế hoạch thực hiện Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Dự án tổng thể cải thiện môi trường tại khu vực Khánh Sơn.
Ly Ly (T/h)