Tăng thuế bảo vệ môi trường không cấm triệt để được người sản xuất túi nilon
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:32, 18/04/2019
– Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon được coi giải pháp góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon.
>>> Bất chấp biển cấm, người dân vẫn đổ rác thải ven đường
>>> Phú Yên: Cảnh báo nguy cơ cháy rừng đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon những năm qua không nhiều, chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng. Kim ngạch nhập khẩu túi ni lông thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 19,1 tỷ đồng. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến số thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không nhiều là do theo quy định, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi ni lông thì lượng nguyên liệu nhựa PE sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Đây được cho là giải pháp sẽ góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon không thân thiện môi trường.
Mặt khác, nếu túi ni lông sản xuất ra đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường hoặc trường hợp sản xuất, nhập khẩu túi ni lông để làm bao bì đóng gói sản phẩm cũng không phải nộp thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon lại không thực sự nằm ở chính sách thuế. Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon.
Ảnh minh họa
Tăng lên 5.000 – 10.000 đồng người ta cũng không vì thế mà không sử dụng. Còn nếu tăng thuế, phí để một cái túi nilon có giá là 100.000 đồng thì lại không hợp lý” – vị chuyên gia nói.
“Khi cấm túi nilon, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Qua đó, sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn, như việc sử dụng lá chuối bọc rau thời gian gần đây là một ví dụ về sản phẩm thay thế.
Ngược lại, nếu túi nilon vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế thì sẽ không giải được bài toán hạn chế túi nilon” – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Rác thải nhựa đã trở thành vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng hai thành phố Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon, nếu thay túi nylon.
Nhằm góp phần hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, kể từ đầu tháng 4 này, hàng loạt các siêu thị tại Hà Nội Big C, Lottemart, Co.opmart… đã áp dụng bao gói rau bằng lá chuối tươi như một cách để bảo vệ môi trường.
Trào lưu này đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Nhiều cửa hàng rau sạch trên địa bàn Hà Nội cũng đã bắt đầu thay túi nilon bằng lá chuối.
Đánh giá về việc một số siêu thị đã dùng lá chuối để gói thực phẩm trong thời gian qua, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) – cho biết, các loại lá dùng được trong mua bán thực phẩm như lá chuối, dong riềng, khoai nước, sen… được trồng nhiều ở Việt Nam theo mùa, nhưng lá chuối thì mùa nào cũng sẵn.
Việc các siêu thị dùng lá chuối thay túi nylon để gói thực phẩm là cách làm tốt, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập. Nếu thói quen này được nhân rộng, thì người nông dân sẽ nắm bắt thị trường để trồng những loại cây cho thu nhập và có đầu ra ổn định.
Ngọc Ánh (t/h)