Thừa Thiên – Huế: 8 công trình xuất sắc nhận giải thưởng Cố đô về KHCN
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 07:06, 18/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 18/5, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lễ trao giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ (KHCN) lần thứ 3/2017 cho 8 công trình xuất sắc nhất.
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế (ngoài cùng, bên trái), trao giải thưởng cho các tác giả có công trình đoạt giải.
Năm nay, 8 công trình nhận giải thưởng Cố đô về KHCN gồm: 3 công trình thuộc lĩnh vực y dược, 1 công trình khoa học kỹ thuật, 1 công trình khoa học xã hội và nhân văn; 2 công trình khoa học tự nhiên và 1 công trình khoa học nông – lâm – ngư nghiệp.
Đây là giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần để xét tặng cho những công trình, cụm công trình KHCN xuất sắc có giá trị cao về KHCN và mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực.
Được biết, năm nay, Cơ quan Thường trực Giải thưởng tiếp nhận 31 công trình và rà soát, xác định có 26/31 công trình đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và hồ sơ theo quy định. Trong đó, có 3 công trình thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên; 6 công trình thuộc lĩnh vực khoa hoc xã hội và nhân văn; 6 công trình khoa học kỹ thuật; 3 công trình về khoa học nông-lâm- ngư nghiệp và 8 công trình về y dược. So với 2 lần tổ chức trước, năm nay số lượng công trình, cụm công trình tham gia nhiều hơn,
Trong số 8 công trình, cụm công trình xuất sắc được trao giải thưởng lần này, cụm Công trình “Nghiên cứu sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ biển Thừa Thiên – Huế” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì được đánh giá xuất sắc, có ý nghĩa khoa học rất lớn vào việc ứng dụng bảo vệ môi trường ở địa phương trong thời gian tới.
Cụm công trình đã tạo dựng được bộ dữ liệu về đặc trưng môi trường tự nhiên của hệ thống đầm phá ven bờ và các hồ chứa nước thượng nguồn ở Miền Trung. Đánh giá cơ bản môi trường nước, trầm tích và diễn biến môi trường ở các đầm phá trong khoảng 150 năm qua. Ngoài ra, công trình còn xây dựng bộ công cụ khoa học đánh giá định lượng công tác quản lý tổng hợp vùng bờ biển và đầm phá của tỉnh. Từ đó, có cơ sở để quản lý môi trường đầm phá miền Trung, trong đó trọng tâm là hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá cao sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, các tác giả, nhóm tác giả. “Thời gian tới khoa học và công nghệ thực sự là chìa khóa thành công, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Ông Nguyễn Dung, nhấn mạnh.
H.Đội