Quảng Ngãi: Phấn đấu đến năm 2020 có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 23:35, 26/09/2017

(Moitruong.net.vn) – Chiều 26/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì họp cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăng Văn Minh phát biểu tại cuộc họp

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 87% (tương ứng với 1.002.389/1.149.414 người); trong đó, có trên 47% đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế).

Từ thực trạng trên, Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2020, có 95% dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, với tiêu chuẩn cấp nước từ 80-100 lít/người/ngày. Đến năm 2030, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt là 100%.

Trên cơ sở rà soát đánh giá lại các nguồn nước trong tỉnh, Quy hoạch đề xuất các giải pháp bổ sung nguồn nước và phân vùng quy hoạch gồm vùng: Vùng miền núi, đây là vùng khó khăn cho việc khai thác nguồn nước dưới đất (giếng đào, giếng khoan,..), tuy nhiên lại là vùng có nhiều sông, suối nên giải pháp đề xuất cho vùng này chủ yếu là khai thác nước mặt. Đối với vùng đồng bằng và trung du: Xây dựng các hò chứa và các công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã, liên vùng. Vùng ven biển và hải đảo: Thích hợp cho việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt và các lu bể chứa nước mưa hộ gia đình.

Theo Quy hoạch, trong giai đoạn 2017-2020, cần sửa chữa, nâng cấp 29 công trình cấp nước sinh hoạt hiện có và đầu tư xây dựng 11 công trình mới. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục, sửa chữa nâng cấp 14 công trình, đầu tư mới 12 công trình. Giai đoạn sau 2025, sửa chữa, nâng cấp 8 công trình, đầu tư xây dựng mới 5 công trình.
nb2692017DVM1.jpg

Quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình như đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền; giải pháp đầu tư và huy động vốn; giải pháp về thể chế; tăng cường công tác quản lý công trình cấp nước sau đầu tư; ứng dụng kỹ thuật công nghệ,…

Để hoàn thiện Quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt có tính khả thi cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các sở ngành, địa phương; trong đó cần lưu ý đánh giá lại hiện trạng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay, cần nêu rõ tỷ lệ dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt để làm cơ sở tính toán chính xác cho giai đoạn quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đánh giá, phân tích cụ thể nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở từng vùng, miền (miền núi, đồng bằng và trung du, ven biển và hải đảo); làm rõ phạm vi quy hoạch, nguồn vốn thực hiện để đạt được các chỉ tiêu Quy hoạch đặt ra, kể cả vốn ODA.

Đối với danh mục các công trình dự án sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới theo Quy hoạch, yêu cầu phân cấp rõ công trình nào là tỉnh đầu tư, công trình nào là huyện, xã đầu tư để có cơ sở xác định cơ cấu tỷ lệ vốn đầu tư theo quy định; đề xuất các giải pháp kỹ thuật cung cấp nước sạch đối với các vùng dân cư phân tán; xem xét lại cơ cấu nguồn lực giữa các vùng miền để phù hợp với điều kiện thực tế,…

Theo QNP

Theo QNP