Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường là tiền đề cho sự Phát triển bền vững và Tăng trưởng xanh
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 02:52, 09/09/2017
(Moitruong.net.vn) – “Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường là tiền đề cho sự Phát triển bền vững và Tăng trưởng xanh” – Đó là phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường
Như tin đã đưa, Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất đã diễn ra tại Bangkok từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9 năm 2017, do Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) và Môi trường Liên hợp quốc tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dự và phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và các tác động do biến đổi khí hậu mang lại như hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Bộ trưởng chia sẻ, vừa qua, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có chuyến làm việc với tỉnh Yên Bái thuộc phía Tây Bắc của Việt Nam, nơi bị ảnh hưởng bởi mưa và lũ quét. Hơn 30 người chết hoặc mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, hàng chục hecta đất canh tác bị chôn vùi, hàng chục gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và các đường quốc lộ bị ngập nước. “Đây chỉ là một trong những ví dụ về thiệt hại gây ra do thời tiết khắc nghiệt và phát triển không bền vững. Các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội quá nhanh, biến đổi khí hậu và áp lực của quá trình hội nhập toàn cầu tạo ra những thách thức to lớn đối với dự bền vững môi trường của Việt Nam.”
Hình ảnh hoạt động của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Để giải quyết các thách thức nêu trên và để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, tiêu biểu là Chiến lược về bảo vệ môi trường; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược về phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Tiếp đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, với phương châm không gây tổn hại môi trường vì lợi nhuận trước mắt. Bảo vệ môi trường phải được xem xét trong toàn bộ quá trình phát triển.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ở bình diện quốc gia, Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại thể chế để tạo môi trường xanh cho các thành phần kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính nhằm nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nhiều giải pháp trong đó bao gồm đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế .
Hình ảnh hoạt động của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường
Ở bình diện quốc tế, để hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã bổ sung mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (INDC) đến 8% khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu sử dụng nguồn lực trong nước, và có thể giảm thêm 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế đối với các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi đổi sử dụng đất, lâm nghiệp và quản lý chất thải.
Với ý nghĩa và mục tiêu thiết thực và sự quyết tâm của các nước tham gia tại Hội nghị Cấp cao Châu Á Thái Bình Dương về Môi trường lần này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể cùng nhau để đạt được sự phát triển bền vững khu vực: Chúng ta có thể đạt được thông qua việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc thông qua và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Những văn kiện này là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể hình thành một kỷ nguyên mới của sự phát triển bền vững hơn nữa dựa trên mô hình phát triển kinh tế phát thải các-bon thấp và tăng trưởng xanh thay cho mô hình phát triển kinh tế truyền thống dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và đã không còn phù hợp.
“Chúng ta có thể đạt được thông qua việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để xác định được những mục tiêu và hành động mà mỗi nước thành viên đã cam kết đối với các sáng kiến khu vực như lộ trình khu vực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Sáng kiến “Green Bridge” Astana; Chương trình hợp tác khu vực Châu Âu-Châu Á-Thái Bình Dương về thực hiện “Tăng trưởng xanh” và Sáng kiến Seoul về Mạng lưới tăng trưởng xanh.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Monre.gov