Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa và chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ tại Đà Bắc
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 01:23, 19/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Chiều 18/10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến thăm tình hình khắc phục hậu quả lũ tại một số xã thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Bộ trưởng đã thăm hỏi một số hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua và giao các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ Hoà Bình vượt qua khó khăn do lũ quét, sạt lở đất gây ra.
>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát lũ lụt, tặng quà cho người dân Thanh Hóa
>>Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Quang cùng đoàn công tác hỏi thăm tình hình phắc phục sau lũ của chính quyền và nhân dân Đà Bắc
Cùng đi với Bộ trưởng có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Quang, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Nguyễn Xuân Trường, lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình.
Sau khi đi thị sát khu vực sạt lở nghiêm trọng tại các xã Yên Hoà và Đoàn Kết, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo huyện Đà Bắc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ và đồng hành cũng như hỗ trợ hết sức để cùng Hòa Bình ổn định đời sống người dân khu vực đã bị sạt lở cũng như khu vực cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo xử lý kịp thời tình trạng sạt lở đất đá của các cấp ngành tỉnh Hòa Bình trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm hỏi gia đình người dân có người thân bị mất trong đợt lũ quét vừa qua
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ đặc biệt là Tổng cục Môi trường, Quỹ Bảo vệ Môi trường nắm bắt kỹ tình hình, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, đưa ra các phương án tốt nhất để hỗ trợ giúp người dân sau lũ. Trong đó vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt… cho bà con trong và sau lũ là rất quan trọng.
Đặc biệt, Bộ trưởng hết sức quan tâm tới vấn đề nguy cơ sạt ở khu vực tại đây và đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, tổ chức di dời ngay các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, những nơi không bảo đảm an toàn; tăng cường quan trắc, theo dõi giám sát diễn biến sạt lở để chủ động cảnh báo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng của nhân dân và nhà nước.
Các đơn vị đang trao đổi nội dung lên phương án di dời và tái định cư cho nhân dân
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Liên đoàn Địa chất Tây Bắc phối hợp với các cơ quan liên quan và các nhà khoa học tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế, phối hợp với địa phương nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, tác động, ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở đất tại khu vực trên đến khu dân cư và công trình lân cận trong khu vực để chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản thông qua đó góp phần giúp người dân vùng sạt lở sớm ổn định cuộc sống và có sinh kế bền vững lâu dài.
Trường mầm non xã Đoàn Kết vẫn còn ngập sâu trong bùn sau trận sạt lở
Trước đó, báo cáo nhanh với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Nguyễn Đức Dũng (Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc) cho biết thiệt hại về người dân của huyện trong đợt lũ và sạt lở đất vừa qua là 06 người chết, 05 người bị mất tích và 08 người hiện đang bị thương đang phải điều trị theo dõi.
Mặt đường bị khoét sâu vào trong lòng đất khi cơn lũ đi qua
Trận lũ và sạt lở vừa qua cũng làm sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi 50 nhà dân, sạt lở đất vào 325 nhà, hiện tại còn có 345 hộ dân cần di rời khẩn cấp do hiện tượng đồi trên phía sau nhà bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn. Ngoài ra, do lượng mưa lớn kéo dài nhiều giờ lên nhiều diện tích lúa và hoa mầu bị ngập trong nước. Các tuyến đường bộ liên xã bị xói mòn bề mặt đường nghiêm trọng, tại các điểm ngầm nước lũ đã rút nhưng do sạt lở nên gây tắc cục bộ các tuyến đi các xã, hiện có 04 xã bị cô lập hoàn toàn về đường bộ, hiện chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy. Nhiều trường học, trạm y tế, và các công trình công cộng bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Theo Monre