Mô hình chú các nóc “cho em xin chai nhựa” thân thiện với môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:30, 14/07/2019
Những ngày gần đây, người dân và du khách đến tham quan du lịch Cù Lao Chàm (Hội An) không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh một chú cá nóc mẹ khổng lồ và những chú cá nóc con với dòng chữ “cho em xin chai nhựa” được nhóm tình nguyện Globe Aware (đến từ Mỹ), chuyên hoạt động tình nguyện về môi trường và nhân đạo trên khắp thế giới phối hợp với anh Hồ Công Thắng (An Bàng, Cẩm An, Hội An) tái chế từ những vật liệu bỏ đi để trở thành sản phẩm thân thiện, hữu ích với môi trường.
Du khách nước ngoài thích thú với mô hình cá nóc ăn rác tại cảng Cửa Đại (Hội An)
Anh Hồ Công Thắng thành viên tham gia chế tạo ra chú cá nóc cho biết, thân cá được làm bằng khung sắt mạ kẽm, vây cá được tái chế được từ những khây nhựa, da cá bằng lưới, mắt cá là phao lưới…, chiều dài của thân cá khoảng 3m, rộng 1,7m. Những sản phẩm để làm chú cá nóc được các thành viên trong nhóm nhặt tại các bãi biển. Đa số vật liệu bị ngư dân vứt đi và rác thải khác….Sau khi nhặt về mỗi người một việc, người tham gia vẽ trang trí lên cá, người thì hàn thân cá, mất mấy ngày liền vừa lên ý tưởng vừa thiết kế, nhóm mới hoàn thành tác phẩm. Mọi chi phí khoảng 4 triệu, do nhóm tình nguyện Globe Aware tài trợ hoàn toàn.
“Lý do lần này, chúng tôi chọn cá nóc một phần tuyên truyền bảo vệ môi trường, mặt khác chúng tôi muốn gửi gắm đến mọi người hãy thận trọng trong việc ăn cá nóc, vì nó rất độc, chỉ cần bất cẩn một tí sẽ ảnh hưởng đến tính mạng” anh Thắng giải thích thêm.
Các chú cá nóc con được nhóm tình nguyện Globe Aware và anh Hồ Công Thắng thực hiện
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chú cá nóc mẹ và đàn con này đã được Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm và Ban quản lý bến cảng Cửa Đại thống nhất cho phép đặt tại cảng Cửa Đại. Sở dĩ, chú cá được đặt tại đây với mục đích sẽ gây sự chú ý cho người dân và du khách để mỗi lần khi xuất bến đến đảo Cù Lao Chàm du lịch tham quan. Du khách sẽ hiểu thông điệp và góp phần nâng cao nhận thức, không còn tình trạng vứt rác xuống biển và xung quanh. Từ đó sẽ tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, trả lại sự trong lành cho môi trường biển Cù Lao Chàm nói riêng và Hội An nói chung.
Trao đổi với chúng tôi, bà Francesa Supple và cô con gái Nachesa supple (quốc tịch Mỹ), thành viên nhóm Globe Aware, vui vẻ nói “Chúng tôi chế tạo ra chú chú cá nóc “cho em xin chai nhựa” là một trong những giải pháp thu gom rác, đặc biệt là chai nhựa, để môi trường luôn sạch đẹp, cách để hạn chế chai nhựa trôi nổi vào đại dương. Đồng thời kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức với mô hình môi trường này”.
Nhóm tác giả bên sản phẩm tái chế của mình sau những ngày nghiên cứu chế tạo.
Được biết, đây là con cá thứ hai mà anh Thắng và nhóm tình nguyện Globe Aware đã chế tạo, một con nữa họ đặt tại biển An Bàng để mọi người bỏ chai nhựa vào hay con rùa cũng bằng nhựa đặt tại bãi Ông, (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp). Bên cạnh thu gom rác thải, nhóm tình nguyện còn tham gia làm nhiều việc thiện nguyện khác như: sửa chữa bàn ghế cho học sinh người đồng bào ở Nam Giang, hoặc đi vẻ các tranh tường ở các khu phố, chăm lo cho trẻ em khuyết tật khắp nơi…
Còn theo ông Trần Văn Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm, phụ trách mãng môi trường cho biết: Mô hình cá nóc ăn nhựa là một trong những mô hình rất ý nghĩa về môi trường. Thời gian tới chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các nhóm tình nguyện lắp đặt thêm các mô hình cá khác tại bãi Ông, bãi Chồng nhằm kêu gọi du khách giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời hướng tới chiến dịch Cù Lao Chàm nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa.
Hiện nay, trên thế giới và trong nước nhiều mô hình được làm từ rác thải nhựa rất nhiều. Chẳng hạn như ở Bỉ với mô hình cá voi, hay trong nước có Lý Sơn (Quảng Ngãi) mô hình cá biển ăn rác thải nhựa hay thành phố Đà Nẵng với mô hình Cá bống ăn rác… cho thấy tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động nhất là trên biển. Hằng năm có hàng ngàn sinh vật biển bị hủy duyệt bởi ô nhiễm từ rác thải và các chất độc hại khác. Thiết nghĩ, mô hình cá nóc chứa chai nhựa của nhóm Globe Aware tại Hội An sẽ nâng cao nhận thức hơn nữa cho cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường sống.
Như Quỳnh