Thu hút đầu tư FDI an toàn cho môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 05:33, 26/07/2019
Tràn lan các dòng vốn “FDI không sạch” gây hậu quả nghiêm trọng
Doanh nghiệp FDI có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng giúp đất nước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn, mà còn mang đến Việt Nam công nghệ, kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tạo thêm nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, qua đó góp phần khai thác tốt hơn các nguồn lực trong nước, thúc đẩy tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những đóng góp tích cực đó, FDI cũng đã và đang tạo ra nhiều vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của dân cư. Đây chính là những dự án “FDI không sạch” và đáng buồn là số lượng những dự án này khá lớn.
Dòng vốn FDI tăng mạnh. Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số hơn 100 khu công nghiệp ở Việt Nam có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường, trong đó điển hình kể đến các trường hợp sau:
* Gây ô nhiễm môi trường
– Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Theo kết quả điều tra của Chính phủ, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.
– Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, là dự án nhiệt điện than lớn đầu tiên của khu vực miền Nam đặt tại tỉnh Bình Thuận được đưa vào thử nghiệm vận hành từ tháng 1/2015 đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tháng 10/2015 và tháng 1/2016, tiếp tục có sự cố khiến nước từ bãi xỉ thải tràn ra ngoài khu dân cư, gió lốc khiến bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư do gây ô nhiễm môi trường.
– Veda Việt Nam sau hơn 1 năm bị phát hiện xả nước thải “chui” ra sông Thị Vải (tháng 9/2008), tháng 12/2009, Viện Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã công bố kết quả nghiên cứu dựa trên các quan trắc kỹ thuật cho thấy Công ty Bột ngọt Vedan đã gây ra 80% – 90% ô nhiễm cho sông Thị Vải, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trước đó, năm 2006, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường từng thanh tra đột xuất và phát hiện Công ty Vedan xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải. Kết quả xử lý sai phạm tại Vedan đã tính đến các tình tiết tăng nặng. Tổng mức phạt hành chính với Vedan là 267,5 triệu đồng cho 12 lỗi vi phạm. Ngoài ra, Vedan phải nộp 127 tỷ đồng truy thu phí bảo vệ môi trường. Công ty Vedan Việt Nam xây dựng nhà máy vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích 120 hecta. Sau khi nộp phạt và xử lý các vi phạm môi trường, Vedan vẫn tiếp tục hoạt động.
– Mei Sheng Textiles Việt Nam: Mặc dù không được cấp phép cho sản phẩm nhuộm nhưng công ty 100% vốn Đài Loan chuyên về dệt sợi này vẫn tự ý hoạt động nhuộm và xả thải trực tiếp vào hồ Đá Đen, nguồn cung nước sinh hoạt cho khoảng 1 triệu người dân trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 6 lần bị phạt do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhưng công ty không chấp hành.
– Sonadezi Long Thành: Năm 2011, Cục Cảnh sát môi trường (C49) bắt quả tang Sonadezi Long Thành, doanh nghiệp về xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã xả nước thải không đạt chuẩn ra rạch Bà Chèo. Đến năm 2012, kết luận của Viện Môi trường và Tài nguyên cho thấy, 113,6 hecta trong tổng số 682,8 hecta rạch Bà Chèo bị ô nhiễm là do nước thải từ nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Long Thành, thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành. Điều này gây thiệt hại nặng nề về sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên là 95.
– Huyndai Vinashin: Từ năm 2007 đến năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 3 lần xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với Công ty Huyndai Vinashin vì hành vi xả chất thải có chứa chất độc nguy hại. Thay vì làm sạch vỏ tàu bằng công nghệ phun cát như dự kiến ban đầu, Huyndai Vinashin lại xin chuyển đổi công nghệ phun hạt nix (phế thải công nghiệp luyện đồng) nhập từ nước ngoài. Tính ra, có tới 800 nghìn tấn hạt nix không được xử lý, thải ra môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa…
* Bị thổi phồng quá mức để che đậy thực chất, đồng thời dự án FDI trở thành cái cớ để chiếm dụng đất đai và các nguồn tài nguyên khác xảy ra nhiều trên các tỉnh trong các năm liên tiếp gần đây.
– Nhà máy Gang thép Eminence ở Thanh Hóa (30 tỉ đô la), Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng tại Quảng Nam (4,15 tỉ đô la).
– Nhà máy Thép Guang Lian ở Quảng Ngãi (4,5 tỉ đô la).
– Khu liên hợp Thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận (9,8 tỉ đô la).
* Chậm triển khai hoặc thậm chí “án binh bất động” do địa phương chưa sẵn sàng hấp thụ một lượng vốn quá lớn, khiến cho tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn giải ngân ngày càng thấp.
– Dự án Liên hợp thép Tata – Việt Nam Steel tại Hà Tĩnh (5 tỉ USD).
– Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa cũng ở Hà Tĩnh (16 tỉ USD).
– Saigon Atlantic Hotel ở Bà Rịa – Vũng Tàu (4,1 tỉ USD).
Bên cạnh sự giống nhau về quy mô đầu tư khổng lồ, các dự án này còn giống nhau ở một điểm quan trọng khác, đó là chúng đều hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường – tất cả đều với chi phí quá thấp, hay là điện năng với mức giá quá rẻ so với các điểm đến đầu tư khác, do được Nhà nước trợ cấp. Vô hình trung, các dự án FDI khai thác tài nguyên một cách bất hợp lí.
Giải pháp thu hút FDI sạch cho phát triển bền vững, thân thiện với môi trường
Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý FDI sạch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần phải có một hệ thống quản lý theo ngành dọc thống nhất để có thể quản lý chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở, trong và ngoài khu công nghiệp. Ngoài việc cụ thể hóa những qui định pháp luật và xem xét tính hợp lý của một số chỉ tiêu về môi trường, cần nâng cao hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp FDI và tư vấn cho doanh nghiệp về thực thi pháp luật môi trường.
Hai là, có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư FDI sạch. Dựa trên một số tiêu chí cơ bản để đánh giá một doanh nghiệp thực hiện giải pháp môi trường tốt nhất, như:
– Vận hành với các chuẩn môi trường cao mang tính toàn cầu.
– Tích cực gắn kết với các đối tác địa phương.
– Chuyển giao kỹ năng và công nghệ thân môi trường tới đối tác tại nước chủ nhà.
– Đảm bảo để nước chủ nhà nhận được những lợi ích hợp lý trong FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên.
Các cơ quan quản lý FDI cũng như quản lý môi trường cần tham khảo danh sách hướng dẫn do Tổ chức Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) xây dựng, nhằm xác định hành vi thực hiện giải pháp môi trường tốt nhất của doanh nghiệp FDI.
Ba là, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước và sự tham gia của xã hội. Trong lĩnh vực FDI bền vững môi trường, vai trò của Chính phủ thường thể hiện ở hai khía cạnh là tạo lập chính sách và trọng tài trong các xung đột môi trường giữa hoạt động công nghiệp và người dân nhằm kiểm soát chống ô nhiễm môi trường và bảo vệ điều kiện sống của con người.
Bốn là, thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội. Trong bảo vệ môi trường đầu tư. Kinh nghiệm cho thấy vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự có tầm quan trọng trong việc hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo xu hướng trên thế giới hiện nay, người tiêu dùng có thể tạo áp lực buộc các doanh nghiệp FDI phải quan tâm nhiều hơn đến kết quả môi trường của mình. Cộng đồng dân cư nơi có doanh nghiệp FDI hoạt động có thể tạo sức ép với doanh nghiệp để họ nâng cao chất lượng môi trường của mình.
Năm là, thu phí hoặc thuế các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Để xây dựng một cơ chế phát triển bền vững, nhiều nghiên cứu đã đề nghị phải lồng ghép chi phí môi trường vào hệ thống tài khoản quốc gia, nghĩa là phải đánh giá bằng tiền tệ đối với sự suy thoái môi trường như gây ô nhiễm và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Khi đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, nước hoặc đất đai, chính phủ có một số lựa chọn để cân nhắc nhằm cân bằng giữa nhu cầu có một môi trường sạch hơn với các chi phí kinh tế của việc làm sạch môi trường.
Sáu là, rút giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường đầu tư của nước chủ nhà. Chọn lọc khắt khe xử phạt nặng các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp FDI
Tú Anh (T/h)