ĐBSCL: Xâm nhập mặn đến sớm do sự biến đổi khí hậu
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 17/08/2019
Nói về đồng bằng sông Cửu Long, lâu nay người ta vẫn hình dung về một vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng. Nhưng thực tế, giờ đây khi nhắc về vùng châu thổ này, ai cũng phải chấp nhận một sự thật rằng: Quy luật “bên lở bên bồi” đã không còn, khi những dòng sông, bờ biển đang “gặm” bờ, gây xâm nhập mặn, sạt lở nghiêm trọng.
Khô hạn, nắng nóng kéo dài xâm nhập mặn tăng cao tại ĐBSCL
Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng cực đoan như nắng nóng kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão, sạt lở, lũ lụt thất thường… ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân nơi đây.
Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nghiêm trọng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về Việt Nam. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 6 – 8 năm nay, mực nước thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2,5-5,0m, ở trung và hạ lưu thấp hơn từ 2,5-3,5m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn TBNN cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010 (năm thiếu hụt kỷ lục).
Theo GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, tình trạng này sẽ càng trầm trọng khi thủy điện trên dòng chính ở thượng lưu và các thủy điện dòng nhánh tích nước sử dụng cho mục đích riêng. Do đó, mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ bị chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều dẫn đến thiếu nước trầm trọng và xâm nhập mặn gia tăng.
Khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ cao hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Các địa phương ở ĐBSCL cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống.
Tú Anh (T/h)