TP Hồ Chí Minh tìm hướng xử lý bãi chôn rác

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:27, 11/08/2019

Moitruong.net.vn – Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang nghiên cứu đấu thầu xử lý rác với mục tiêu xử lý sạch môi trường, khả thi cho nhà đầu tư và tiết kiệm ngân sách.

Ngày 10/8, tại buổi làm việc với doanh nghiệp, nhà khoa học để tìm giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố mỗi ngày thải ra khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt tuy nhiên cách xử lý hiện nay phần lớn là chôn lấp.

“Hàng triệu tấn rác chúng ta chôn lấp rồi để đấy, chúng ta chưa có nhiệm vụ cụ thể trong việc thay đổi phương thức xử lý rác. Thành phố cần có kế hoạch toàn diện để thay đổi cách xử lý, giúp giải phóng tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Rác cũng là nguồn tài nguyên

Rác sạch cũng là tài nguyên

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia dự án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp cần xử lý theo nguyên tắc tạo ra các sản phẩm đem lại giá trị

Giám đốc sở yêu cầu sau khi xử lý, mùn và đất có thể làm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Với các loại đồ nhựa có thể sấy, làm khô, ép lại làm than đốt, vật liệu xây dựng.

Theo hướng làm trên, dự kiến những bãi rác chôn lấp cũ sẽ đem lại nguồn thu cho thành phố. Các loại rác thải sạch có thể đấu thầu, chọn ra nhà đầu tư có hướng xử lý tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

“Quỹ đất sạch sau khi xử lý có thể sử dụng đấu giá, phát triển quy hoạch gắn với địa phương”, ông Thắng đề xuất.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường thông tin thêm trên địa bàn TP.HCM hiện có 5 bãi chôn lấp đã được đóng cửa theo đúng quy chuẩn. Các bãi chôn lấp trên đều có thể khai thác, xử lý trả lại chức năng của đất và đảm bảo thời gian theo quy định.

UBND đã chỉ đạo sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý các bãi chôn lấp, tiến tới lập kế hoạch dùng những khu đất trên để phát triển kinh tế – xã hội.

Các bãi chôn lấp lớn nhất tại TP.HCM đã đóng cửa là bãi Gò Cát có diện tích 25 ha và bãi Đông Thạnh có diện tích 40 ha. 2 bãi trên đều đã có thời gian đóng cửa trên 10 năm và đủ điều kiện xử lý rác lưu cữu, dùng quỹ đất để phát triển hạ tầng.

Cần sớm giải phóng đất chôn lấp để phát triển

Sau khi nghe các phương án xử lý đất chôn lấp rác thải, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu thành phố sớm có phương án giải phóng những nơi chôn lấp rác làm cơ sở phát triển kinh tế – xã hội.

“Chúng ta có thể làm song song hai việc quy hoạch và xử lý rác. Sau khi phương án được phê duyệt, thành phố sẽ công bố, thực hiện dự án. Nhà nước sẽ kết hợp với doanh nghiệp làm từng phần”, Bí thư Nhân nêu định hướng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định trong vài chục năm qua, nhận thức của chính quyền về việc xử lý rác thải đã có những chuyển biến tích cực.

“Ban đầu chúng ta chỉ nghĩ đến thu gom, chôn lấp. Gần đây, chúng ta nhận ra có thể xử lý, sử dụng các khu vực đó mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Hoan nói.

Bên cạnh hình thức xây dựng công viên cây xanh, TP đã tham khảo ý kiến các quận huyện về việc sử dụng đất chôn lấp rác thải mang lại hiệu quả cao hơn. Từ những ý kiến trên, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch, tìm kiếm nhà đầu tư cùng phương pháp phù hợp để giảm tới mức tối thiểu kinh phí ngân sách.

Tại buổi làm việc, đại diện một công ty vừa tìm ra giải pháp xử lý thành công bãi rác Soi Nam (phường Hải Tân, TP Hải Dương) đề nghị được tham gia khảo sát, lập phương án, giải pháp công nghệ để xử lý vấn đề ô nhiễm tại bãi chôn lấp Gò Cát. Công ty này cam kết trong 2 tháng sẽ lập được phương án và trong 2 năm sẽ hình thành trên nền đất cũ một khu đô thị.

“Công ty đề nghị được tham gia lập quy hoạch 1/500 trên quỹ đất dự án bãi chôn lấp Gò Cát”, đại diện công ty đưa ra yêu cầu.

Đáp lại điều kiện của công ty trên, Phó chủ tịch UBND phụ trách mảng đô thị khẳng định chính quyền thành phố sẽ trực tiếp làm quy hoạch chứ không thể để doanh nghiệp nghiên cứu.

“Các doanh nghiệp tham gia đấu thầu có thể đưa ra đề xuất phương án quy hoạch, nhưng thành phố sẽ chỉ tham khảo và đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Hoan khẳng định.

Lan Hương (T/h)

Lan Hương (T/h)