Hội nghị gặp gỡ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:42, 02/05/2018

(Moitruong.net.vn) – Sáng 2/5, tại Thành phố Bà Rịa, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Đại biểu Quốc hội khóa XIV phát biểu tại buổi gặp gỡ sáng 2/5

Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có: Bà Nguyễn Thị Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH; ông Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Dương Minh Tuấn – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách; ông Phạm Đình Cúc – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; ông Dương Tấn Quân – Bác sỹ Bệnh viện Bà Rịa.

Về phía Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có: ông Nguyễn Văn Đồng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Lê Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tham dự Hội nghị có 97 vị đại biểu đại diện cho những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình Bà Rịa – Vũng Tàu sáng 2/5

Mở đầu Hội nghị, ĐBQH Dương Tấn Quân đã báo cáo nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV. Theo đó, dự kiến Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/5/2018 và bế mạc vào ngày 15/6/2018. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác xây dựng luật, công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có xem xét thông qua 08 dự án luật (Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch) và 01 dự thảo nghị quyết.

Về Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Kỳ họp này cũng sẽ cho ý kiến đối với 08 dự án luật bao gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Về các vấn đề kinh tế – xã hội, Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ xem xét các Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); đồng thời phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Về công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…

ĐBQH Nguyễn Thị Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại buổi gặp gỡ

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo tóm tắt với các các vị đại biểu đại diện cho những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2018. Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm rất quan trọng, quyết định sự thành công của cả kế hoạch 5 năm 2016 – 2021.

Được Chính phủ xác định là năm Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo, ngay trong quý I/2018 và 4 tháng đầu năm 2018, kinh tế của Việt Nam đã có những tín hiệu tốt và sự chuyển biến đáng mừng, đó là sự tăng trưởng đạt mức 7,38%; trong đó tăng trưởng nông nghiệp quý I lần đầu tiên đạt trên 4% mang lại niềm vui cho bà con nông dân cả nước. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng đã có sự chuyển hướng theo xuất khẩu các sản phẩm rau, hoa, củ, quả…tạo sự tăng trưởng mạnh cho nông nghiệp. Cơ cấu công nghiệp đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững, hiệu quả, chế tạo và công nghiệp điện tử chiếm tỷ lệ lớn (tăng gần 10% trong quý I/2018).

Một tín hiệu tốt, cụ thể là Formosa Hà Tĩnh, đến nay chúng ta đã kiểm soát rất chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này; bên cạnh đó theo kế hoạch năm 2018, Formosa Hà Tĩnh sẽ dự kiến tăng sản lượng lên đến 7 triệu tấn, có đóng góp rất lớn đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết những tháng đầu năm 2018, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và sôi động, thể hiện qua các chuyến thăm và làm việc thành công của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; như chuyến đi thăm Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến đi thăm một số quốc gia châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,… Các chuyến thăm ngoại giao này đã ngày càng khẳng định vững chắc và nâng tầm hơn nữa vị thế, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế…

Cũng trong quý I/2018, Chính phủ đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được coi là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước… Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi tham gia Hiệp định CPTPP, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có thêm nhiều thị trường mới, nhiều cơ hội kinh doanh xuất khẩu mới và đặc biệt là được đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường quốc tế…

ĐBQH Dương Tấn Quân phát biểu tại buổi tiếp xúc

Những tháng đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã, đang và tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tổ chức các hội nghị chuyên đề lớn về thương mại xuất khẩu, đầu tư xây dựng cơ bản, nông nghiệp vùng ĐBSCL, đất đai nông lâm trường…

Như vậy, bức tranh tổng thể kinh tế – xã hội của Việt Nam những tháng đầu năm 2018 đã có những dấu hiệu tốt như thu ngân sách tăng, góp phần giảm bớt áp lực nợ công, nợ nước ngoài, sử dụng được nhiều hơn nguồn lực đầu tư cho phát triển…Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế như tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, quản lý còn chồng chéo, trùng lắp, chưa hiệu quả…Để khắc phục tình trạng này, Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn về các giải pháp sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản lý, công tác tổ chức cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; bên cạnh đó là đưa ra những chính sách về tiền lương, tiền công phù hợp…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết để bảo đảm tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao của năm 2018, chúng ta cũng cần phải lưu ý, chủ động ứng phó với một số vấn đề đột xuất có thể tác động mạnh tới kinh tế – xã hội như: Hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khả năng xuất hiện các cơn bão lớn chưa từng có trong lịch sử; các biến động về thị trường như giá cả, thị trường bất động sản; giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần… Bên cạnh đó cũng cần theo dõi sát sao tình hình quốc tế và khu vực như diễn biến chiến sự ở Sirya, mối quan hệ giữa Triều Tiên – Hàn Quốc…

Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng đã thông tin cụ thể về một số chính sách mới được Đảng và Nhà nước ban hành như chính sách hỗ trợ về đất đai (đất ở, đất canh tác sản xuất…); các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế… nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khác cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Lê Văn Lịch – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai giải đáp một số ý kiến của đồng bào, cử tri liên quan đến chính sách, thủ tục liên quan đến đất đai

Về hoạt động của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Tinh thần mới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp này là những bộ luật nào chưa chuẩn bị kỹ thì chưa trình Quốc hội, xem xét thảo luận. Đồng thời, thay đổi phương pháp chất vấn và trả lời chất vấn theo tinh thần “Đại biểu Quốc hội chất vấn hỏi 1 phút”, “Bộ trưởng trả lời chỉ trong 3 phút”; “hỏi xong, trả lời ngay”. Đây là vấn đề cử tri cả nước hết sức quan tâm, tạo được sự tương tác giữa với các vị Bộ trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Ông Bùi Thiết Vân, trú tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức phát biểu ý kiến với các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh

Sau phần trình bày của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bà Nguyễn Thị Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cáo cáo kết quả hoạt động 4 tháng đầu năm 2018 của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, năm 2018, Đoàn ĐBQH tỉnh chọn chủ đề hành động là “Chủ động – Sáng tạo – Hiệu quả”. Theo tinh thần đổi mới đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và chuyên gia để góp ý vào các Dự án luật theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội; làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan về các nội dung giám sát; tiếp nhận kiến nghị của công dân, góp phần tạo sự tin tưởng của công dân đối với đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH…

Lắng nghe ý của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham dự Hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu ý kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đồng bào.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt sáng 2/5

Theo Monre

   

Theo Monre