Cần giải pháp kiểm soát chất lượng không khí
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:30, 29/08/2019
Ngày 27/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội đã phối hợp với Trường ĐH Xây dựng và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp.
PGS.TS Bùi Thị An- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội chia sẻ: Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô, trong đó có môi trường sống, là mục tiêu phấn đấu cho mọi ngành, mọi lĩnh vực mà Thành ủy, Hội đồng nhân thành phố đã đặt ra. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự tăng dân số ngoài kế hoạch, hạ tầng xã hội tăng không kịp với nhu cầu. Cho nên dù TP Hà Nội có nhiều cố gắng thì vấn đề môi trường vẫn vô cùng bức xúc, trong đó có ô nhiễm không khí.
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ô nhiễm bụi liên quan trực tiếp đến những bệnh về tim mạch
“Sự ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành có lúc đã trở nên báo động, làm ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe mà cả đến các hoạt động trong thành phố. Đây chắc chắn còn là câu chuyện dài. Dài không chỉ của riêng Hà Nội mà là của nhiều thành phố lớn như: TP HCM, Đà Nẵng, các khu công nghiệp và của cả nước…”- bà An nói.
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng) cho rằng, cần phải gióng lên hồi chuông về nồng độ không khí tại Hà Nội. Tìm định hướng quản lý chất lượng không khí tốt tại Hà Nội, tạo cho Hà Nội một bầu không khí trong lành, đảm bảo cho sức khỏe của tất cả mọi người dân.
Để minh chứng cho sự báo động về chất lượng không khí nói trên, PGS.TS Trần Ngọc Quang đem đến hội thảo nghiên cứu “Nồng độ bụi siêu mịn tại các nhà ở trên địa bàn Hà Nội”. Theo nghiên cứu, ông khẳng định những tác động xấu của bụi đến sức khỏe con người. Khi chúng ta hít thở, những hạt bụi siêu mịn đi sâu vào trong cơ thể và lắng đọng trong phổi người, chẳng hạn như muội khói xe. Thậm chí sau khi đi sâu vào trong túi phổi, nó đi qua các mạch máu, chuyển từ hệ tiêu hóa sang hệ tuần hoàn. Đó là lí do rất nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ô nhiễm bụi liên quan trực tiếp đến những bệnh về tim mạch.
Giải pháp nào để không khí được trong lành?
Từ thực trạng ô nhiễm không khí chỉ ra trong nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Anh Thư nêu ý kiến: Trong thời gian tới cần ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí (ví dụ là Đạo luật Không khí sạch). Bên cạnh đó cần quán triệt về việc kiểm soát các nguồn phát thải lớn từ xi măng, nhiệt điện, thép… và tăng cường thúc đẩy các ngành kinh tế phát thải thấp. Thiết lập nhiều hơn các trạm quan trắc không khí tự động. Cần nhiều hơn những nghiên cứu về ô nhiễm không khí nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách. Và đặc biệt là tăng cường sử dụng phương tiện công cộng…
Ông Nghiêm Trung Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội) nêu vấn đề ô nhiễm không khí nhìn từ việc “phát thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội”. Ông cho rằng những phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Hà Nội đóng góp lớn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Trong đó, bụi PM2.5 từ giao thông là 40%, từ xe diesel là 10%, bụi nano từ giao thông là 46,3%… Để có thể giảm thiểu được ô nhiễm không khí, đặc biệt từ các phương tiện giao thông cơ giới, ông Dũng nêu một số giải pháp như sau: Chuyển đổi nhiên liệu; thắt chặt tiêu chuẩn phát thải; tăng cường phương tiện công cộng; cải thiện vận tốc trung bình; quản lý giờ cao điểm…
Từ những nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Hà Nội, các chuyên gia tại hội thảo đều nhất trí cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện nay đã ở mức báo động. Tuy nhiên để có các giải pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm không khí thì không thể là ngày một ngày hai mà sẽ là thời gian không ngắn. Vì vậy, qua hội thảo các chuyên gia nhất trí hình thành liên kết trong lĩnh vực nghiên cứu này, tùy từng cương vị và trách nhiệm của mình sẽ tham gia tích cực trong việc bảo vệ không khí Hà Nội luôn trong lành, bảo vệ sức khỏe cho người dân và xứng đáng là Thủ đô văn minh, hiện đại mà cả nước đang hướng tới.
Thùy Chi (T/h)