Hướng phát triển phương tiện giao thông “xanh” của Anh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 03:00, 28/08/2019
Theo kế hoạch, Chính phủ Anh sẽ chi 154 triệu USD và các doanh nghiệp trong nước đóng góp 216 triệu USD để hỗ trợ các công nghệ mới ra đời, trong đó có taxi bay, máy bay thương mại điện hay máy bay chở hàng hóa không người lái.
Cùng với khoản đầu tư nêu trên, năm mạng lưới nghiên cứu vận tải mới cũng sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 6,15 triệu USD để phát triển các loại chất đốt sạch hơn cũng như các sáng kiến về công nghệ khác nhằm làm giảm lượng phát thải và cải thiện chất lượng không khí. Mạng lưới nghiên cứu mới sẽ do các trường đại học tại Birmingham, Leeds, Durham, Cardiff và Đại học London (UCL) dẫn đầu.
Mẫu taxi bay đầu tiên của công ty Vertical Aerospace tại sân bay Costwold, gần Kemble, Anh, ngày 5-6-2018. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Kinh tế Anh Andrea Leadsom cho rằng, triển vọng ra đời các phương tiện vận chuyển và dịch vụ vận tải mới là vô tận. Khoản tiền đầu tư nêu trên sẽ bảo đảm rằng Anh sẽ là quốc gia dẫn đầu về thiết kế và phát triển công nghệ, từ taxi điện đến máy bay không người lái chở hàng hóa. Trong khi đó, Bộ trưởng Vận tải Anh Grant Shapps nhận định, những công nghệ mới như máy bay điện và máy bay tự vận hành có thể giúp Anh ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện những hành trình “xanh” hơn và phục vụ hành khách chuyên nghiệp hơn.
Thủ tướng Anh cho rằng, khoản tiền 370 triệu USD sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các chuyến bay “xanh” cũng như nhiều phương tiện mới để vận chuyển các loại hàng hóa được đặt trực tuyến. “Nước Anh đã được toàn thế giới thừa nhận là một trung tâm của công nghệ xanh. Giờ đây chúng ta sẽ mở rộng tính tiên phong của mình, hỗ trợ nền công nghiệp và người dân của chúng ta giảm lượng phát thải của chính mình”, ông Johnson nhấn mạnh.
Trước khi tới Pháp dự Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Anh kêu gọi: “Từ những sự lựa chọn mua sắm đến việc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, chúng ta đều mong muốn đưa ra quyết định đúng đắn có thể giúp bảo vệ hành tinh này”. Dự kiến, trong khuôn khổ hội nghị G7 tại Pháp, ông Johnson sẽ hối thúc thế giới hành động mạnh mẽ hơn nữa để ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ năm tuần trước, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh đưa ra cảnh báo, ủy ban này có thể sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra nếu Chính phủ không lập tức triển khai một loạt chính sách “carbon thấp”. Trong bối cảnh lượng phát thải carbon toàn cầu ở mức cao kỷ lục, tháng 6 vừa qua, Anh tuyên bố nước này sẽ thực hiện cam kết mới để đưa phát thải khí nhà kính về mức 0 từ nay cho đến năm 2050, trở thành quốc gia đầu tiên trong G7 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May đánh giá mục tiêu phía trước dù tham vọng nhưng rất cần thiết để bảo vệ tương lai của Trái đất.
Minh Trang (T/h|)