Quảng Bình: Người dân vùng rốn lũ Tân Hoá tích cực khắc phục hậu quả sau trận “đại hồng thủy”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:14, 10/09/2019
Cơn đại hồng thủy đi qua để lại cho bà con vùng rốn lũ biết bao khó khăn vất vả, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhu yếu phẩm … Sau lũ, nước rút xuống để lại một lớp bùn đất nhão nhoét, dày đặt từ trong nhà ra đến ngoài sân, kể cả lá cây hai bên đường cũng tạo thành một lớp bạc màu do bùn đất của lũ để lại.
Nhà dân trên địa bàn xã Tân Hóa vẫn còn ngập khi nước đã rút gần hết
Với phương châm của người dân vùng lũ, nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó. Việc đầu tiên của người dân vùng lũ là tổng dọn vệ sinh, lau chùi nhà cửa, quét dọn đường xá, thu gom rác, cành cây gãy đổ để tạo lại cảnh quan và phòng chống dịch bệnh có thể bùng phát.
Bộ đội về địa bàn vùng lũ để hỗ trợ bà con
Chị Trương Thị Liên ở thôn 2, xã Tân Hóa cho biết, đây là trận lũ lịch sử to và kéo dài lần thứ 2 từ khi có trận lụt năm 2010. Nhiều ngày lênh đênh trên nhà nổi khiến cuộc sống vất vả và thiếu thốn trăm bề, cũng may có nhà nổi khiến chúng tôi cũng được an tâm phần nào, thức ăn chủ yếu là mì tôm. Sau lũ, nước uống thì lấy trên lèn, mỗi lần đi lấy nước xa xôi, vất vả nhưng chỉ lấy được có 2 xô vì nhiều người lấy, mình chia nhau mỗi người mỗi ít. Nhớ lại trận lũ năm 2010 thì gia đình tôi thiếu nhu yếu phẩm, rất may nhà nước cứu lũ kịp thời nên gia đình tôi sống được qua mùa lũ năm đó”.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ người dân địa phương mà các thầy cô trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn Tân Hóa cũng tích cực trong công tác vệ sinh vùng lũ. Nhiều giáo viên phải tạm gác công việc gia đình để đến trường dọn bùn đất, lau sạch bàn ghế, phòng học, thu gom rác, mong nhanh chóng cho các em học sinh được đến trường khi mà khắp nơi đã khai giảng bước vào năm học mới.
Các cô trường Mầm non Tân Hóa tích cực dọn vệ sinh sau lũ
Cô Cao Thị Bích – Hiệu Phó Trường Mầm non Tân Hóa cho biết : “Cơn lũ đi qua khiến một nhà chòi trưng bày sản phẩm cho trẻ bị lũ phá hỏng, bàn ghế một số là gỗ ép bị hư hỏng do lũ, bùn đóng lớp dày đặc, nước rút đến đâu là các cô lau chùi đến đó. Hôm lũ Tôi ở đây trực lũ 24/24, chỉ có đêm nước to là không có ở đây. Dù rất sợ, nhưng vì trách nhiệm các cô ở địa phương phải thay nhau trực lũ, nước rút thì các cô trong trường bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh ngay, không thì bùn sẽ khó lau chùi và quét dọn. Hiện có dân quân tự vệ xã Quy Hóa và Trung tâm dạy nghề Huyện đến hỗ trợ Trường trong công tác vệ sinh sau lũ”.
Một góc sân trường Mầm non Tân Hóa nhìn từ tầng 2
Thầy Trương Xuân Cánh – Hiệu Phó Trường Tiểu học Tân Hóa cho biết : “Trường Tiểu học Tân Hóa có 3 điểm trường, ở đây là điểm trường trung tâm, một điểm trường Cổ Liêm, điểm trường thôn 4 – Yên Thọ. Điểm trường thôn 4 – Yên Thọ bị ngập sâu nhất, là vùng rốn lũ của Tân Hóa, tài sản, sách vở đưa lên tầng 2, sau đó nước dâng lên cao quá tầng 2 khiến ướt một số tài liệu và sách vở của học sinh. Sau lũ, phụ huynh cùng thầy cô trong trường đã chung tay khắc phục hậu quả sau lũ. Hiện đang nhờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ để tiếp tục khắc phục hậu quả sau lũ.
Ông Đinh Minh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa
Trao đổi với PV, ông Đinh Minh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, “UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng như Công an, Quân đội giúp người dân xã Tân Hóa dọn dẹp, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống sau lũ. Chủ yếu khó khăn nhất là vấn đề môi trường, nên UBND huyện chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng và các đơn vị liên quan tập trung xử lý môi trường và nước sạch. Huyện cũng đã hỗ trợ mì tôm, gạo, nước sạch về cho người dân. Các xe bồn chứa nước sạch cũng được huy động để về cứu trợ. Huyện cũng chỉ đạo sớm đưa học sinh trở lại trường khi trường lớp đã ổn định, không để em nào vì công việc gia đình phải bỏ học giữa chừng”.
Minh Tâm