Nước lũ rút đến đâu, người dân các tỉnh miền Trung vệ sinh môi trường đến đó

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:07, 09/09/2019

Moitruong.net.vn – Ngay sau khi nước lũ rút, ngành Y tế các tỉnh miền Trung triển khai các biện pháp xử lý môi trường, với phương châm “nước rút đến đâu làm sạch đến đó”.

Đợt lũ lụt lớn vừa qua ở tỉnh Quảng Bình đã làm hàng nghìn nhà dân, các công trình trường học, trạm y tế cùng nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập sâu trong nước. Cùng với đó, các loại rác thải, xác động vật… theo dòng nước lũ đổ về các làng bản dễ phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi nước rút, ngành Y tế Quảng Bình đã kịp thời triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng lũ.

Cùng với đó, tại Hà Tĩnh với phương châm “Nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức 52 đội hình với gần 1.500 thanh niên tình nguyện tại chỗ và hơn 600 thanh niên tình nguyện chi viện, tập trung hỗ trợ các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ gây ra; Trên địa bàn các huyện Hương Khê, Vũ quang, hương Sơn, Lộc Hà, lực lượng vũ trang tỉnh cũng đã có mặt tham gia cùng nhân dân, chính quyền địa phương khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 3m. Đến ngày 5/9 toàn tĩnh có 323 trường học không thể khai giảng vì nước ngập hoàn toàn. Tới hôm nay mới chỉ có 41 trường tổ chức khai giảng nhưng học sinh và thầy cô vẫn phải vừa hoạc vừa dọn dẹp bùn đất trong lớp học. Riêng ở huyện Hương Khê toàn bộ 61 trường học các cấp chưa thể mở cửa đón học sinh và 2900 hộ dân bị ngập lụt.

Được biết, đễ hỗ trợ bà con, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp cho Hà Tĩnh 1000 tấn gạo dự trữ. Bộ y tế hỗ trợ 10 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 200.000 viên cloraminB; 100 phao cứu sinh các loại. Ngân hàng NN&PTNT trao tặng người dân Hà Tĩnh bị thiệt hại mưa lũ 3 tỷ đồng.

Báo cáo với Phó thủ tướng,  tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đến ngày 7/9, đã huy động toàn lực lượng, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương cử cán bộ xuống từng xã, từng thôn, bám sát địa bàn để giúp đỡ nhân dân khắc phục sau mưa lũ. Cơ quan chức năng và người dân tranh thủ trời hửng nắng tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch sinh hoạt. Đồng thời cơ quan chức năng cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan tại những nơi lũ đã rút….

Trước đó, 6/9, trong chuyến thăm hỏi, tặng quà người dân vùng lũ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà lưu ý chính quyền địa phương cần chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức, rà soát hỗ trợ bà con vùng lũ, tuyệt đối không để nhân dân thiếu lương thực, nước uống. Tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch đảm bảo sinh hoạt sau lũ; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không cho dịch bệnh bùng phát xảy ra.

Tại tỉnh Quảng Bình, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn cán bộ về thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ người dân và cán bộ y tế cơ sở khắc phục thiệt hại; động viên cán bộ y tế cơ sở cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống và công tác.

Đồng thời, ngành Y tế cấp thêm cơ số thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh, Cloramin B cho các Trạm y tế xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), Trạm y tế xã Thạch Hóa, xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa). Lãnh đạo ngành Y tế Quảng Bình cũng lưu ý các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện tốt công tác sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu…

Trước đó, nhằm chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống bệnh dịch mùa mưa bão, tháng 7/2019, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh để các cơ sở y tế kịp thời cấp phát cho người dân…

Tuy nhiên, sau lũ, các nhóm bệnh hay gặp như tiêu chảy, sốt, cảm cúm, hô hấp, đau mắt đỏ…dễ bùng phát. Vì vậy, ngành Y tế Quảng Bình khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước; công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng cần được quan tâm, xử lý đúng cách.

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)