Việt Nam nhận chức Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:30, 19/10/2018
MOITRUONG.NET.VN – Ngày 18/10, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất tổ chức tại Brussels (Bỉ), PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa đại diện cho Việt Nam đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 – CEOS Chair 2019.
>>>Sông Sài Gòn: Triều cường và lũ lại lên cao
>>>Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo cung cấp điện an toàn trong mùa mưa bão
PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) đại diện cho Việt Nam đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 – CEOS Chair 2019. (Ảnh: Tiền Phong)
Đây là nhiệm vụ luân phiên mỗi năm một lần đối với các nước là thành viên tham gia Ủy ban. Hiện Ủy ban có 32 thành viên đến từ các vùng địa lý lớn như Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á/Thái Bình Dương.
Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất năm 2019, Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: Giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối chiến lược các nhiệm vụ hiện tại và tương lai của các cơ quan thành viên CEOS, tiếp tục hỗ trợ Nhóm quan sát Trái đất (Group on Earth Observations – GEO); Phối hợp với Chủ tịch Nhóm thực hiện chiến lược (SIT) và Ban Thư ký (SEC) để xây dựng, kết nối và mở rộng thành viên cũng như thu hút các đóng góp vào các hoạt động quan sát Trái đất của CEOS; điều phối các hoạt động hỗ trợ như: GEO, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai, Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, Hệ thống quan sát khí hậu, đại dương và mặt đất trên toàn cầu, Nhóm các quốc gia phát triển G8/ G20 v.v.
PGS Phạm Anh Tuấn cho biết, khi đảm nhận vị trí chủ tịch, Việt Nam sẽ đưa ra hai sáng kiến chính là quan sát carbon (các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái Đất) để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả và quan sát phục vụ nông nghiệp (giám sát lúa).
“Các ứng dụng này rất thiết thực trong việc đánh giá phát triển nông nghiệp của Việt Nam và sẽ được mở rộng tại các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong”, ông Tuấn nói.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 32, hai sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ từ các tổ chức thành viên CEOS trong việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh, đào tạo nhân lực và cơ hội tham gia các dự án tiềm năng.
Phiên họp toàn thể CEOS năm 2019 do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ta tại Hà Nội từ 14 đến 16/10/2019.
Phi Hồng (t/h)