Nỗ lực giảm khí thải nhà kính càng sớm càng tốt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:45, 19/09/2019
Thế giới đang thất bại trong cuộc chiến ngăn chặn thảm họa thiên tai phát sinh do biến đổi khí hậu (BÐKH). Các mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân khiến Trái đất ấm lên, hiện vẫn chưa đạt được.
Ảnh minh họa
Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres vừa đưa ra cảnh báo trên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đẩy nhanh hơn nữa những hành động thiết thực để giảm lượng khí phát thải gây BÐKH.
Thời gian gần đây, các thảm họa thiên tai liên tiếp xảy ra gây hậu quả nặng nề, trong khi thời tiết nóng, lạnh cực đoan diễn ra tại nhiều nước. Việc không đạt được mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris về BÐKH có thể dẫn đến nhiều hậu họa như làm tan chảy tầng băng vĩnh cửu của Trái đất và làm tăng tần suất thảm họa thiên tai.
Ngày 17-9, các nhà khoa học Pháp cảnh báo, xu hướng thời tiết cực đoan gia tăng trong vài thập kỷ qua, sẽ tiếp diễn ít nhất trong hai thập kỷ tới. Dự báo, nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm khoảng từ 6 đến 7 độ C vào năm 2100 nếu chính phủ các nước không quyết tâm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh các giải pháp về chính sách, giải pháp về công nghệ là một mặt không thể thiếu trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của các quốc gia. Các giải pháp này rất đa dạng, nhưng cần được đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo phù hợp với điều kiện của quốc gia nói chung, cũng như ngành nghề, địa bàn áp dụng nói riêng. Các tổ chức, chương trình quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH hay Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra danh mục các công nghệ giảm thải căn cứ theo các nguồn phát thải. Các công nghệ đưa ra được áp dụng cho từng tiểu ngành, tiểu lĩnh vực cụ thể.
Ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để giảm phát thải KNK và đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cũng là câu hỏi mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực tìm lời giải đáp. Các phương án, lựa chọn giảm phát thải không những phải góp phần hỗ trợ các quốc gia đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội.
Có thể nói, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia có định hướng đúng trong công tác giảm phát thải KNK, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải chính, lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, các yếu tố tác động đến lượng phát thải, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý… tác động trên nhiều phương diện, đối tượng cũng như tạo môi trường thuận lợi để triển khai các công nghệ giảm phát thải tiềm năng.
Ðể ngăn chặn nguy cơ Trái đất nóng lên, vấn đề cấp bách hiện nay là cần đẩy nhanh những nỗ lực để giảm khí thải các-bon trên toàn cầu bằng 0 vào năm 2060. Ðây là trách nhiệm của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có chính quyền các thành phố, khu vực và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Tú Anh (T/h)