Nha Trang: Dân nghèo chết vì bài toán quy hoạch?
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 06:38, 20/11/2018
Chỉ với một áp thấp nhiệt đới (bão số 8 suy yếu hình thành) mà TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã có tới 13 người chết, 11 người bị thương và 4 người mất tích. Các chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố mưa cấp tập trong thời gian ngắn, cộng tâm lý chủ quan và quy hoạch dân cư không tính đến hành lang thoát lũ đã gây hậu quả lớn.
>>>Nha Trang: Triển khai công tác phòng chống bão số 9
>>>Khánh Hòa: Số người chết và mất tích do mưa lũ tăng lên 17 người
Tan hoang sau trận lũ ngày 18/11. Ảnh: C.T
Thảm họa ập xuống dân nghèo?
Trong số 17 người bị nạn đã tìm thấy thi thể, 3 người vẫn mất tích và 31 người bị thương trong thảm họa ấy, đa số là dân nghèo. Họ là ngư dân xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng tối ra khơi, sáng về với gia đình; những người làm thuê, chạy cơm từng bữa cho con ở thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng. Đó còn là cả gia đình 4 người của thầy giáo Trần Hoàng Phong (Trường Mẫu giáo Trung ương 2) dành dụm mua được căn nhà nhỏ ở tổ dân phố Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, nhưng rồi bỗng chốc mất sạch. Nhà không còn và người cũng ra đi.
Nghe một người dân lớn tuổi ở thôn Thành Phát kể về việc thành lập xóm Núi của thôn này mà muốn rơi nước mắt. Đó là vào những năm đầu 2000, một số gia đình không có đất xây nhà nên kéo về đây dựng chòi để ở. Họ tự đặt tên cho ngọn núi sau xóm là Lương Sơn Bạc. Họ tự biết mình chẳng phải là 108 vị anh hùng trong truyện “Thủy Hử”, mà chỉ là những kẻ liều. Kẻ liều mới xây nhà không phép nơi nguy hiểm rình rập, liều vì không còn chỗ dung thân.
Một người ở xóm Núi kể rằng cha ông khi đưa con về đây, trong rất nhiều bữa ăn, mơ ước có số tiền kha khá để mua căn nhà nhỏ trong phố cho con ở an toàn. Mơ ước ấy cứ mãi kéo dài. Bởi một người như ông lo cho con đủ cái ăn đã là khó thì biết tìm đâu cả tỉ đồng để mua đất dưới phố, dựng nhà! Và giờ, mơ ước ấy tan tành khi cha không còn và nhà cũng tan hoang.
Không thể đổ lỗi hết cho dân nghèo bất chấp xây nhà không phép ở nơi nguy hiểm khi mà chính quyền cũng chẳng ra tay kịp thời để ngăn chặn từ đầu. Đây đâu phải là lần đầu tiên Nha Trang gánh chịu hậu quả sạt lở núi. Năm 2016, một vụ sạt lở núi ở xã Phước Đồng cũng đã cướp đi sinh mạng 4 người. Thế nhưng, hàng ngàn hộ dân sống nơi chân, vách núi nguy hiểm nơi TP này vẫn chưa được di dời, để hôm nay phải gánh thêm thảm họa. Đau lòng hơn khi chính những dự án mà tỉnh Khánh Hòa giao đất cho nhà đầu tư, giờ đây lại quay ngược, hại dân nghèo. Chính hồ nước nhân tạo của dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú xây trên núi bị vỡ, nước đổ ập xuống, cuốn theo bao đất, đá, phá hủy hoàn toàn hơn 10 căn nhà dưới chân núi. Đặc biệt, đã cướp đi sinh mạng 4 người trong gia đình thầy Phong.
Bất cập từ bài toán quy hoạch?
Liên quan đến vấn đề trên, theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, dự báo thứ 7 tuần này (24/11), khả năng sẽ xuất hiện cơn bão số 9 và đổ bộ vào Nam Trung bộ, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa. Đây là cơn bão được nhận định mạnh và gây mưa rất lớn, nếu không chuẩn bị tốt, tâm lý chủ quan thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), từ vụ sạt lở ở Hòn Rớ cho thấy, quá trình phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua đang làm gia tăng rủi ro, thiên tai. “Chỉ có 1 hồ sinh thái nằm trong khu đô thị sức chứa 400 m3 bị vỡ mà tới một gia đình 4 người chết, thiệt hại khoảng 10 nhà. Do vậy, ngoài các hồ đập vẫn cảnh báo lâu nay, hệ thống hồ nhỏ, trong khu dân cư cũng phải được cảnh báo, bởi gặp mưa lũ lớn sẽ rất nguy hiểm”- ông Sơn nói.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là việc quy hoạch dân cư còn rất bất cập. “Dưới chân núi mà hình thành các trung tâm dân cư thì rất nguy hiểm, tương tự những trận lũ quét, sạt lở gây thiệt hại thảm khốc ở Mù Cang Chải (Yên Bái) năm trước. Tại sao cho nhà sát chân núi, sao không cho người dân ở sườn núi, như trước đây Pháp từng xây nhà ở khu vực đó, có bao giờ bị đâu”- GS Hồng nói. GS Hồng cũng cảnh báo, khi có hồ chứa, dù hồ chứa nhỏ nhưng nằm “trên đầu” người dân sẽ luôn có rủi ro, và cần phải xếp vào hạng mục để cảnh báo, dự báo. Vụ việc ở Hòn Rớ cho thấy, sự thiếu sót của chính quyền địa phương.
Tóm lại, trong nhiều năm qua, khá nhiều địa phương mỗi khi xảy ra hậu quả nặng nề của thiên tai đều đổ lỗi cho tự nhiên, hầu như rất ít nếu như không muốn nói là không có địa phương nào nhận trách nhiệm chủ quan của con người. Đó chính là lý do mà cứ mỗi mùa mưa bão đến lại có hàng trăm người chết, bị thương và mất tích, nhưng năm sau con số đó không những không giảm mà có khi còn tăng cao hơn năm trước. Vì sao? Đơn giản là vì khi người ta không thấy lỗi của bản thân, không nhận ra trách nhiệm của mình thì chẳng bao giờ có thể sửa sai cả. Mà đã không có biện pháp sửa sai thì đương nhiên hậu quả thiệt hại xảy ra là điều đương nhiên, khó tránh.
Vậy nên, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản mỗi khi xảy ra thiên tai, không chỉ riêng ở bất cứ địa phương nào, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan hữu trách cần nghiêm túc kiểm điểm và rút ra được bài học xương máu, để có biện pháp khắc phục, tránh để tái diễn hậu quả đau lòng, hay thậm chí còn thảm khốc hơn. Khi con người ta thực sự cầu thị thì mới có thể tiến bộ, mời có thể sửa sai, tránh được vết xe đổ trước. Còn nếu vẫn không nhận ra phần lỗi của cá nhân, tập thể, đơn vị mình thì hậu quả cuối cùng vẫn là những người dân gánh chịu. Nên chăng trong một số trường hợp phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí nếu cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa đối với những người cố tình vô trách nhiệm đối với sự an nguy của người dân.
Bích Thuần (t/h)