Ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán động vật

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:00, 03/01/2019

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa có Công điện số 01/CĐ-UBND về việc về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

>>>Hơn 100.000 lượt khách du lịch đến Huế trong dịp tết Dương lịch 2019

>>>Phú Yên: Khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ biển

Cơ quan chức năng bắt giữ các vụ vận chuyển trái phép động vật ( Ảnh minh họa)

Theo đó, để chủ động ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh, thực hiện Công điện khẩn số 9863/CĐ-BNN-TY ngày 19/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 10853/VPCP-V.I ngày 08/11/2018; Công điện số 9863/CĐ-BNN-TY ngày 19/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 10/9/2018; Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.Đối với các địa phương có cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới phải tổ chức giám sát chặt chẽ người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn; trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy phải được Cơ quan Thú y lấy mẫu và xét nghiệm bệnh). Tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu vào địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh theo quy định. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Tăng cường kiểm tra các địa bàn trọng điểm, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ quan Thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tích cực triển khai tuyên truyền nguy cơ, tác hại về các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới để không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.

Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan Quảng Bình, Cục quản lý thị trường Quảng Bình: Theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, lực lượng thú y tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn tỉnh.

Hoàng Dũng

   

Hoàng Dũng