Rừng Tây Nguyên vẫn đang “chảy máu”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:42, 29/09/2019
Đến nay, Tây Nguyên gồm các tỉnh Đác Lắc, Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng vẫn là khu vực có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước với hơn 2.557.321 ha đất có rừng; trong đó, có hơn 2.206.974 ha rừng tự nhiên. Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành chức năng các tỉnh trong khu vực đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Phát hiện nhiều điểm phá rừng do UBND xã Ia Mơr quản lý, tại lô 5, khoảnh 10, tiểu khu 1012 phát hiện năm vị trí thuộc rừng sản xuất bị phá với diện tích 66.151m2. Đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr. Trong số này có ba vị trí đã được kiểm lâm địa bàn xã Ia Mơr phối hợp lực lượng chức năng xã phát hiện và lập biên bản. Trong khi đó, tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý, có hai vị trí rừng bị phá với tổng diện tích 7.194 m2.
Rừng phòng hộ Buôn Đôn tại tiểu khu 444, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc bị tàn phá.
UBND huyện Chư Prông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng trên là do từ cuối năm 2018, huyện đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân có diện tích đất thuộc công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng một số hộ dân nhận thức sai, dẫn đến việc phá rừng làm rẫy. Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng các đơn vị chủ rừng chưa xử lý dứt điểm, chưa xác định đối tượng phá rừng; buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vụ phá rừng trong lâm phần quản lý.
Trước đó, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum phát hiện những thân gỗ vừa bị đốn hạ nằm rải rác trên đường. Dọc theo tuyến đường này còn có nhiều đường xương cá dẫn sâu vào rừng và lối nào cũng la liệt những khúc gỗ lớn, có khúc 2 người ôm mới xuể.
Cách cột mốc ghi “Ranh giới rừng phòng hộ lâm trường Măng Cành II” chỉ khoảng 5 m, chúng tôi phát hiện một cây cỡ 2 người ôm vừa bị cưa hạ, xẻ lóng còn trơ gốc.
Để tăng cường công tác Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), gìn giữ những diện tích rừng quý giá còn lại trên địa bàn Tây Nguyên, theo Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc, Mai Văn Kiện, về cơ bản, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đi phá rừng làm nương rẫy; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm các vụ phá rừng, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Vùng IV, Hà Công Tài đề nghị, chi cục kiểm lâm các địa phương cần tiếp tục tham mưu cho chính quyền củng có, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục triển khai việc rà soát, xác định các vùng trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép để triển khai các biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả.
Các cấp, các ngành và chủ rừng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Vấn đề quan trọng nữa là các địa phương trong khu vực cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với các dự án có sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác QLBVR tại địa phương.
Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, hoạch định các chính sách ngành và kinh tế – xã hội mỗi địa phương…
Nhật Lệ (T/h)