Kiểm lâm Bắc Giang tuần rừng ngày cuối năm

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:26, 02/02/2019

Với những người Việt Nam, dù đi làm ăn xa ở đâu, khi Tết đến, Xuân về, đều mong muốn được trở về với gia đình, để gặp gỡ họ hàng, thăm hỏi người thân, tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên… Thế nhưng, vì sự bình yên của những cánh rừng, những cán bộ Kiểm lâm vẫn cần mẫn ngày, đêm lặng lẽ canh trực, tuần tra rừng. Với họ, không có nghỉ Tết, Tết cũng gắn với rừng.

>>> Hơn 730 người chết vì TNGT trong tháng 1/2019

>>> Mỹ: Số người chết do giá lạnh tiếp tục gia tăng

Trạm trưởng Tô Văn Mích (người đứng giữa) triển khai nhiệm vụ tuần rừng ngày cuối năm

Buổi chiều ngày cuối năm, theo chân những cán bộ Kiểm lâm Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Dương, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Sơn Động, Bắc Giang tuần tra rừng tại xã An Lạc, đi được vài vạt rừng, hai chân tôi đã không nhấc nổi, mồ hôi ướt đẫm lưng. Đi khoảng 2 tiếng, đến một con suối, chúng tôi nghỉ chân, cảnh tượng đầu tiên gây ấn tượng là dòng nước trong vắt từ trong khe núi chảy ra, với những chồng đá xếp chồng lên nhau, được bao bọc xung quanh bởi đồi, núi điệp trùng.
“Rừng tự nhiên nơi đây là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam, không chỉ có giá trị đa dạng sinh học cao về thành phần loài cây, mà còn phân bố nhiều loài động vật rừng quý, hiếm. Tôi gắn bó với nghề đã gần 20 năm rồi; vì vậy, tôi thuộc từng vạt rừng, từng cái dốc, từng con suối khắp huyện Sơn Động. Những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trạm Đồng Dương thiếu thốn đủ bề, bốn bề nhìn ra với núi rừng trùng điệp, đường xá đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, có lúc chỉ mong được gặp một người khách cho đỡ cô quạnh. Hiện nay, thông tin liên lạc, đường đi lại thuận tiện, song công tác bảo vệ rừng, kiểm tra lâm sản trên khâu lưu thông lại vất vả, gian nan hơn gấp bội phần, bởi lâm tặc rất tinh vi, dùng mọi thủ đoạn để chống đối lại lực lượng Kiểm lâm.”, Trạm trưởng Tô Văn Mích chia sẻ.
Tôi hỏi: Ngày thường là vậy, nhưng đến Tết Nguyên đán thì sao? Anh Mích trầm tư một lúc, đưa tay lên khóe mắt, rồi kể tiếp: “Thật lòng, mỗi khi Tết đến, xuân về, những cán bộ Kiểm lâm như chúng tôi cũng chạnh lòng lắm. Bởi, khi các gia đình quây quần trong ngôi nhà ấm cúng, mọi người nghỉ ngơi, thăm hỏi, chúc mừng người thân, cùng nhau đón năm mới, thì chúng tôi lại phải trực và tuần tra rừng, nên khó có thể tránh khỏi những bùi ngùi, tủi thân. Nhưng nếu sa rừng vài ngày lại thấy nhớ rừng vô cùng. Đón Tết trong rừng đã thành thông lệ của những cán bộ Kiểm lâm.”.
Tôi hỏi tiếp Trạm trưởng Mích: Trong những lần đi tuần tra rừng, anh có những kỷ niệm nào khó quên không?. Anh Mích chia sẻ: “Những kỷ niệm trong công tác tuần tra rừng thì rất nhiều, nhưng ấn tượng, khó quên nhất là lần đi vây bắt lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép. Hôm đó, chúng tôi có 3 người đi tuần tra rừng, phát hiện có đối tượng đang dùng cưa xăng khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi chia mỗi người một hướng tiếp cận đối tượng, khi tới gần, phát hiện có Kiểm lâm vây bắt, đối tượng đã cầm máy cưa xăng cầm tay vẫn nổ ném trực tiếp vào một Kiểm lâm, rồi chạy thoát thân, bất chấp hiện trường là rừng hỗn giao tre, nứa dày đặc, xen lẫn cây gỗ, có nhiều dốc cao, vực sâu, nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi đã bắt giữ được đối tượng trên cùng tang vật về Trạm xử lý theo quy định của pháp luật”.

Kiểm lâm địa bàn Đồng Dương kiểm tra rừng ngày cuối năm

Anh Phạm Văn Sơn, quê ở huyện Lục Ngạn, có thâm niên 5 năm trong ngành, là từng ấy cái Tết anh dành phần lớn thời gian ở rừng. Anh Sơn trải lòng: “Ngày Tết anh em phải chia ca nhau để trực Trạm và tuần tra rừng. Trong những ngày Tết đều đến thăm, chúc Tết bà con xung quanh để thắm chặt tình quân dân, phần khác cũng muốn “hưởng thụ” ké phút giây quây quần không khí Tết trong gia đình. Cũng có lúc chúng tôi không khỏi thấy nao nao, chạnh lòng, nhớ nhà da diết, nhất là lúc sắp đến giao thừa. Nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua nhanh, lại nhường chỗ cho quyết tâm công việc.”.
Tôi hỏi tiếp: Phần lớn thời gian các anh gắn bó với rừng, chắc các anh nhớ vợ con lắm? đặc biệt là Tết? “Có chứ! Nhưng giờ có chiếc điện thoại di động, nhớ gia đình thì gọi điện hỏi thăm, nghe giọng nói của vợ, con là mình ấm lòng và yên tâm rồi. Chỉ tội cho con nhỏ, mới 9 tuổi, Tết năm ngoái, cháu cứ hỏi mẹ là sao Tết bố cũng không ở nhà?… Nghĩ thương quá, nhưng giữ rừng là cái nghiệp rồi, cố mà làm cho tốt thôi!”, anh Mích chia sẻ thêm.
Nghỉ giải lao chừng 30 phút, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, xuyên qua những lô rừng nguyên sinh, với thảm thực vật phong phú, đa dạng với hàng trăm loài cây gỗ lớn phân bố trải dài, dưới tán rừng rậm rạp, đất trời nơi đây trở nên thanh bình, tĩnh lặng, đâu đó thỉnh thoảng có tiếng chim hót, thánh thót vọng lại. Tất cả như hòa quyện với nhau, làm cho con người với thiên nhiên hòa quyện cùng nhau một cách gần gũi, tự nhiên; khi đó, tôi cảm thấy sự mệt mỏi đã tiêu tan, cơ thể nhẹ nhõm như được tiếp thêm sinh khí.
Càng về chiều, không gian trong rừng càng trong lành, bình yên, tĩnh lặng đến lạ, không khí ngày xuân vẫn đang lan tỏa nơi nơi, trong sự bình yên ấm áp của ngày xuân có sự cống hiến thầm lặng của nhiều lực lượng, trong đó có những người gác rừng như thế. Vì yêu nghề, đã gác lại nhiều ước muốn riêng tư, những người lính “quân hàm xanh” vẫn âm thầm, cần mẫn ngày, đêm lặng lẽ làm việc, chỉ để thực hiện một lý tưởng lớn lao và kiêm định là giữ cho rừng mãi thêm xanh.

Dương Đại Tiến

   

Dương Đại Tiến