Giao thừa trên “chuyến tàu 2 năm” nối liền Bắc – Nam
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 04/02/2019
Thời khắc giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019, trong những toa tàu nhỏ được trang trí lung linh ánh đèn, trưởng tàu đi bắt tay thật chặt từng hành khách, nhân viên và gửi lời chúc Tết ấm áp đến họ cùng gia đình. Hành động ấy, khiến những người đồng hành trên chuyến tàu “xuyên” 2 năm như ấm lòng hơn, hạnh phúc hơn và sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời mỗi người trên chuyến tàu ấy…
>>> Tp.HCM: Vắng bóng người mua tại các chợ hoa Tết
>>> Hà Nội: Không để người dân nào lỡ xe, nhỡ chuyến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019
Cành đào đón tết trên tàu
Đón năm mới trên tàu
Mỗi dịp Xuân về, Tết đến, những người con đi xa đều nóng lòng đến ngày được trở về, sum vầy cùng gia đình. Chuyến tàu Bắc – Nam trở thành một trong những phương tiện chính đưa những người con xa quê ấy trở về nhà. Những chuyến tàu không bao giờ nghỉ, kể cả giáp Tết hay trong khoảnh khắc giao thừa. Người lái tàu thầm lặng cùng trưởng tàu, phó tàu, nhân viên trên tàu hàng năm trời cần mẫn với công việc đưa những chuyến hàng, hành khách đến mọi miền đất nước. Bởi, do đặc thù ngành, di chuyển xa, nhiều ngày trên tuyến đường hàng ngàn km, trên những chuyến hành trình Bắc – Nam, tập thể nhân viên trên tàu dường như ăn Tết trên tàu là chuyện thường tình.
Theo thường lệ, trên chuyến tàu ngày 30 Tết, khoảng 23h45, nhân viên tàu sẽ hối hả chuẩn bị tiệc đón giao thừa ở toa tàu dịch vụ. Người thì phụ trách trang trí hoa đào, người thì thiết kế đèn nháy, người thì tất bật dọn bánh kẹo lên bàn để chuẩn bị cùng hành khách đón năm mới.
Khoảng 23h50, loa phát thanh trên tàu phát đi lời chúc Tết của ngành đường sắt Việt Nam. Thời khắc giao thừa điểm 0h, trưởng tàu sẽ tiến vào toa dịch vụ bắt tay từng hành khách, chúc tết và lì xì đến từng người. Trong mỗi toa tàu nhỏ, chỉ khoảng 30 người, cả hành khách lẫn nhân viên nhưng không khí Tết hết sức ấm cúng, gần gũi như người một nhà.
Thời điểm giao thừa, thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, lúc này mọi người nhìn nhau với ánh mắt lặng lẽ, vừa mừng vừa tủi, để rồi vỡ òa lên tiếng hát, lời reo “chúc mừng năm mới”, rồi cùng nhau nâng ly chúc tụng với bao điều tốt đẹp sẽ đến. Bao lì xì đỏ chói trao nhau, bánh chưng, bánh tét xanh màu lá chuối non được cắt ra chia năm xẻ bảy, ly rượu mừng xuân nâng lên nhấm môi ấm nồng tình cảm giữa hành khách và nhân viên tàu. Sau giây phút đón giao thừa, ở nhiều góc tàu, vài nhân viên điện thoại về chúc Tết người thân.
Những người mang niềm vui đến hành khách đêm giao thừa
Anh Vũ Thanh Minh, Trưởng tàu SE1,2 tổ tàu TN9 thuộc đoàn Vận tải đường sắt Hà Nội, hoạt động trong nghề được hơn 20 năm từ nhân viên phục vụ, đến trưởng tàu An ninh rồi đến bây giờ là trưởng tàu khách Bắc – Nam. Hơn 20 năm gắn bó với ngành đường sắt, những cái Tết xa nhà, những năm đón giao thừa hầu hết trên những chuyến tàu. Với anh đó vừa là trách nhiệm, nhưng cũng là niềm vui lớn của người trưởng tàu khách Bắc – Nam.
Anh Vũ Thanh Minh, Trưởng tàu SE1,2 đón giao thừa cùng hành khách
“Đón giao thừa trên tàu vui lắm! Hành khách xuống toa ăn của tàu, loa đài mở nhạc chúc Tết hành khách. Thời khắc giao thừa đến mọi người cùng chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, trao cho nhau những nụ cười hạnh phúc nhất. Nhân viên trên chuyến tàu luôn hết mình phục vụ hành khách và khi cùng nhau đón giao thừa, chúng tôi coi họ như người nhà mình.” – Anh Minh chia sẻ.
Kể thêm về những “chuyến tàu 2 năm” anh Minh cho biết, hai năm đầu khi mới bước chân vào nghề đường sắt, đón Tết trên tàu anh cũng bỡ ngỡ nhiều lắm. Hồi đó chưa có gia đình nên Tết đến là nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ cảm giác được sum vầy. Những năm sau đó thì quen dần, nhưng khi có gia đình nhỏ thì Tết đến không được bên cạnh gia đình là cảm giác cô đơn, “thèm” cảm giác sum vầy, quây quần bên gia đình để cùng nhau đón giao thừa. Tuy nhiên, cho đến hiện tại với thâm niên hơn 2 chục năm theo nghề với cương vị là Trưởng tàu khách Bắc – Nam, anh Minh luôn luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đoàn tàu, luôn luôn cùng anh em nhân viên làm hết sức mình để đảm bảo sự hài lòng cao nhất từ hành khách, đặc biệt là hành khách đi chuyến tàu Tết, đón giao thừa cùng anh em trên chuyến tàu mà có anh làm Trưởng tàu. Công việc trên chuyến tàu đêm giao thừa bận rộn, đến sáng hôm sau, anh mới có thời gian để gọi cuộc điện thoại ngắn ngủi với vợ. Giữa công việc bề bộn, anh chỉ kịp chúc Tết vợ, hỏi thăm sức khỏe con nhỏ rồi nói lời tạm biệt.
Anh Nguyễn Văn Hải, phó tàu SE1,2 trên chuyến tàu Bắc Nam cho rằng công việc của nhân viên trên tàu là công việc đặc thù, có trách nhiệm cao và phải luôn làm hài lòng khách hàng. Mỗi nhân viên luôn có tư tưởng sẵn sàng chạy tàu xuyên Tết.
Anh Hải làm phó tàu, thỉnh thoảng lại kiêm luôn đầu bếp phụ trách những bữa ăn của hành khách xuyên suốt chuyến hành trình Bắc – Nam kéo dài 1730 km. Theo quy định quốc gia, 30 hành khách/1 đầu bếp. Riêng ngành đường sắt 100 hành khách/1 đầu bếp. Áp lực công việc của họ rất lớn. Một ngày phục vụ ăn uống 3 bữa (sáng – trưa – chiều). Qua tìm hiểu, những nhân viên này phải thức dậy từ sớm 3h30 để sơ chế, nấu nướng; 5h lo đóng gói, đóng hộp cơm, canh, rau, thịt…6h khách xuống ga cũng là lúc nhân viên chuẩn bị phục vụ bữa ăn sáng. Đến 23h tối nhân viên phục vụ mới được nghỉ xả hơi. Ngày Tết thì bận hơn một chút, ngoài việc chuẩn bị bữa ăn cho hành khách, anh Hải cùng nhân viên còn chuẩn bị trang trí Tết. Bàn ăn được trải khăn trắng, có thêm chai rượu vang, cành đào sẵn sàng cho thời khắc đón Giao thừa trên tàu. Cả nhân viên tổ tàu và hành khách như hòa làm một cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Trong đời đi tàu của mình, anh từng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động giữa những hành khách lên tàu. Theo anh, cuộc sống trên tàu là một xã hội thu nhỏ, với đầy đủ mọi thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi. Nhờ đi chung trên một chuyến tàu mà 2 người xa lạ bỗng trở thành bạn tri kỷ, hay những đôi bạn trẻ bén duyên vợ chồng, sống hạnh phúc đến cuối đời… Ngay bản thân anh cũng là người nên duyên từ những chuyến tàu. Anh Hải bật mí, vợ chồng anh quen và yêu nhau rồi nên duyên cũng nhờ những chuyến tàu.
Thời khắc giao thừa, anh em nhân viên cũng tập hợp để chúc mừng nhau. “Đủ tất cả, chỉ thiếu gia đình”. Mỗi khi đón giao thừa trên tàu cùng đồng nghiệp tuy khá vui, đầm ấm, nhưng chắc hẳn nhiều nhân viên vẫn tủi thân vì nhớ vợ con, gia đình. Nhưng nhân viên trên “chuyến tàu 2 năm” ấy đều chấp nhận và cố gắng cống hiến hết mình vì với họ, đưa hành khách đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết là sứ mệnh của mình.
Cứ thế, những con tàu lần lượt dừng lại ở từng sân ga, đưa từng hành khách về đến nhà, sum vầy cùng gia đình. Tổ tàu, lái tàu… là những người về đến nhà muộn nhất rồi lại hối hả theo tàu quay về Bắc, vào Nam.
Hoài Nam