Rượu cần: Một nét văn hóa rất “Tây Nguyên”
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:00, 03/02/2019
“Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em
Anh vít cần, vít cần mà không dám uống”
Đến Tây Nguyên, bất cứ du khách nào cũng không khỏi ngạc nhiên trước tục uống rượu Cần của người dân nơi đây. Rượu Cần là sản vật, là nghi lễ, là lễ vật, trở thành một nét văn hóa đặc trưng, là thức uống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Không có rượu cần thì không có lễ lạt, cưới xin, ma chay, bè bạn…
>> Bangkok: Hơn 400 trường học đóng cửa do ô nhiễm không khí nghiêm trọng
>>> Thái Lan chống ô nhiễm phun nước lên trời
Rượu cần được coi là lễ vật của người Tây Nguyên
Đối với người dân Tây Nguyên, rượu Cần giữ vai trò là lễ vật khi kính dâng lên các Thần linh, là cách thức giao tiếp với các đấng siêu hình, đồng thời là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên đôi lứa. Trước khi thực hiện giao lưu tình cảm, rượu Cần làm nghĩa vụ thông báo, dâng mời, cầu xin các vị thần linh chứng giám hoặc ban phước. Tuy nhiên, dù sử dụng trong dịp nào, tục uống rượu Cần vẫn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Rượu Cần được làm thường xuyên, liên tục nhưng chủ yếu được dùng vào những ngày “ có việc “ của buôn làng hay gia đình, như: cúng Yàng, mừng thọ người già, lễ cưới, đám ma, làm nhà, khi nhà có khách xa đến chơi. Đặc biệt là trong những lễ nghi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, những lễ hội của cả buôn làng. Khi gia đình, buôn làng nào “có việc” như vậy, liền được sự đóng góp của cả họ hàng, cả buôn. Mọi gia đình đều chuẩn bị ghè rượu to nhất, ngon nhất của mình để đem tới góp chung. Vừa sẻ chia, giúp đỡ, vừa tạo nên tình cảm gắn bó, thân tình đầm ấm trong cộng đồng.
Để có được ché rượu, phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng và rượu đạt chất lượng cao nhất. Ở Tây nguyên gia đình nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Do đó rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau theo sở thích của từng gia đình. Tuy nhiên có một điều ai cũng phải tuân theo là trong thời gian làm men rượu, kể cả làm rượu, phải giữ cho thân thể được sạch sẽ, nhất là vợ chồng không được quan hệ sinh lý với nhau. Người dân Tây Nguyên quan niệm rằng, những điều như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của men rượu.
Cách uống rượu của người Tây Nguyên cũng khác. Cụ thể, rượu cần uống ngay trong ché, không phải chưng cất hay chắt lọc gì nữa. Muốn uống rượu cần phải có sự chuẩn bị: dựng những cây cột dùng để buộc rượu thành vòng tròn hay hàng ngang, tùy theo tính chất của buổi uống rượu. Những cột này là cây tre cao khoảng chừng 2-3m, được trang trí thêm những tua chỉ ngũ sắc, hoa, hay những thanh gỗ nhỏ đẽo gọt các hình con thú.
Ngoài ra, các ghè rượu được buộc chặt vào từng cột. Người dân còn hái những lá rừng không có nhựa và không độc nhét chặt vào trong ché, dùng những thanh nứa hoặc tre nhỏ găm chặt lớp lá phía dưới cổ ghè rượu, có nơi lại dùng cách xoắn lá thành một vòng tròn. Việc lót lá nhằm mục đích để khi đổ nước vào, bã rượu không bị trào ra ngoài, đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché. Khoảng trống này là cữ cho người uống. Mối cữ khoảng 1/4 lít nước. Uống hết một cữ là phải tiếp thêm nước.
Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1, 2 – 1, 5m, soi thông ruột. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3 – 4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không mang theo bã hoặc trấu. Người Banar, Hrê dùng nhiều cần cắm chung trong một ché. Người Êđê, Xê Đăng chỉ dùng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần. Cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uống và cần không bị tắc, đó cũng là cái khéo của người cắm cần.
Người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên uống rượu rất công bằng, khi rót hết nước trong ca, nghĩa là khách đã uống hết phần rượu của mình, cách rót nước như vậy gọi là đong “kang”. Cách đong “kang” này còn biểu lộ sự quý mến và tận tình của chủ nhà dành cho khách. Cách thứ hai để công bằng về lượng rượu cho mỗi người, chủ nhà dùng một cành cây gác ngang miệng ché, có nhánh cắm xuống mặt nước một đoạn chừng một phân. Khi người uống hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình. Khi nước được đổ thêm bao nhiêu phải uống hết bấy nhiêu mới chứng tỏ là quý nhau. Người nào uống xong phải cầm cần cho đến khi có người khác đến uống thì trao cần lại, tránh buông cần sớm vì như vậy sẽ mất tình đoàn kết
Uống rượu Cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xưa đến nay, là tượng trưng cho tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của người Tây Nguyên.
Đình Vấn