Độc đáo ngày Tết của người dân vùng biển
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:30, 06/02/2019
– Với những người con làng biển, cuộc sống gắn bó với biển cả, sông nước đã hình thành nên nét văn hóa độc đáo, tín ngưỡng riêng. Theo đó, cách đón tết và vui xuân của người dân nơi đây cũng rất khác biệt.
>>> Tổng hợp lời chúc Tết Kỷ Hợi 2019 hay nhất dành cho sếp, bạn bè và đồng nghiệp
>>> Thú chơi cây cảnh “BonSai” ngày Tết
Ảnh minh họa.
Phong tục ăn Tết của ngư dân vùng biển
Đối với những ngư dân, sau những chuyến đánh bắt xa bờ trở về nặng đầy sản vật, họ lại cùng nhau sống với nhau trong những phút giây lắng đọng, thiêng liêng trước lễ cúng tế thần biển, thần sông – những vị thần tồn tại muôn đời trong tín ngưỡng của họ. Thói quen tâm linh, tín ngưỡng thờ thần đã trở thành một phong tục, nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng cửa biển. Đặc biệt, khi dịp Tết đến, Xuân về những người dân vùng biển sẽ lại cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần sông. Đối với họ, đó là dịp để thể hiện lòng thành kính của mình với tổ tiên, với đất trời và sum vầy bên nhau chào đón năm mới.
Trong tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển, các thần linh biển cả được thờ phụng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, đối với mỗi vùng, ngư dân sẽ có những điểm riêng biệt trong nghi thức ăn Tết. Hầu hết mỗi vùng sẽ thờ riêng một vị thần biển. Đối với người dân vùng biển Diễn Châu họ sẽ thờ Đền cá Ông thuộc xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc được ngư dân tạo dựng nằm ngay sát cửa sông Lạch Vạn nhìn ra biển.
Tại đền có hàng chục bộ xương cá voi lớn nhỏ, trong đó có bộ xương được lưu giữ cả trăm năm. Do đó, đền thờ cá Ông đã thu hút đông đảo ngư dân trong vùng đến dâng hương và lễ vật mỗi dịp đầu xuân năm mới để tạ ơn thần sông, thần biển, cầu an toàn tuyệt đối, đảm bảo tài sản, con người, đưa kinh tế gia đình thuận lợi.
Đồng thời, người dân vùng biển còn tổ chức lễ Cầu ngư ra quân đánh bắt đầu năm mới tại gia đình, bến cá và trong các đền chùa ở địa phương để giúp họ có một năm làm ăn thuận lợi, đi biển bình yên, thuyền về đầy tôm cá. Tuy lễ vật cúng bái của người dân cũng không cầu kì nhưng nghi thức được tổ chức trang trọng. Trong không khí linh thiêng, thành kính, ngư dân cúng tạ gà, lợn, trái cây để cám ơn đất trời, thần biển.
Nhưng đối với ngư dân vùng biển Cửa Sót, bà con ngư dân sẽ lễ sắp ấn là lễ cúng tiễn thần cửa lạch, cửa sông về thiên đình báo cáo hoạt động một năm qua. Lễ cúng được người dân chuẩn bị chu đáo với mâm cỗ, tấu sớ, hương đăng phẩm vật… Ngoài ra, lễ sắp ấn cũng là khoảng thời gian để bà con ngư dân vùng cửa lạch nghỉ ngơi, lau dọn các phương tiện chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới. Sau lễ sắp ấn, đêm 30 tết ở vùng biển cửa cũng là khoảnh khắc đáng nhớ. Trong thời khắc thiêng liêng của trời đất giao hòa, bà con lại cùng nhau ra bến làm lễ dời sào cho các phương tiện đánh bắt với niềm hy vọng một năm mới thêm nhiều may mắn.
Đáng chú ý là lễ hội Cầu ngư. Được biết, lễ hội có 2 phần: phần lễ và phần hội. Lễ tế chính diễn ra vào ngày 13, bao gồm lễ tế âm linh và lễ tế thần. Văn tế trong lễ chủ yếu ca ngợi công đức cứu nhân độ thế của cá ông. Về phần hội, chủ yếu là các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, hát múa, thả hoa đăng, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển. Đây là một hoạt động mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa. Đặc biệt hơn, những năm gần đây Lễ hội Cầu ngư không còn gói gọn trong phạm vi cư dân tại địa phương mà thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp về mặt nhân văn cũng như vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân, Lễ hội Cầu ngư cũng cho thấy ý nghĩa lớn về mặt bảo vệ hệ sinh thái.
Ngoài ra, đầu xuân năm mới tục lệ “đầu năm mua muối” cũng đã trở thành một nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người dân biển. Được biết, tục lệ “đầu năm mua muối” là tục để lại từ đời ông, đời cha không chỉ để lấy may cho mọi người và cho bản thân, cho gia đình mà để truyền mãi một phong tục đẹp của người dân vùng biển với ước muốn cầu mong sự đậm đà, đồng thuận trong gia đình, sự mặn mà no đủ trong tình đoàn kết giữa con người với con người.
Có thể nói, hầu hết các phong tục của người dân vùng biển đã thể hiện được ý thức tri ân và khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân. Những nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đã làm cho không khí vui xuân đón tết của bà con vùng biển thêm vui tươi, giàu ý nghĩa, giúp họ yên tâm bám biển, vươn khơi, nâng tổng sản lượng khai thác hải. Ý thức tri ân đến các vị thần đầu năm mới cũng là niềm tin, sự vững tâm cho những chuyển đi biển bình yên. Song song với phát triển kinh tế, thì tinh thần vui chơi trong ngày Tết cũng được cuốn theo. Vì vậy, mỗi làng đều có những tập tục, những loại hình văn hóa độc đáo và đặc sắc mang đậm “Dấu ấn biển” với các trò chơi như: nấu cơm thi, đánh cờ người trong dịp Tết, các trò chơi dân gian… Nét đẹp này đã trở thành niềm tin ăn sâu bám rễ vào trong mỗi người dân biển giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin, đoàn kết để thực hiện những dự định, những cố gắng của mình trong cả năm.
Cái Tết của những ngư dân đánh bắt xa bờ
Những ngày cuối tháng Chạp, người người lo dọn dẹp nhà cửa, sắm rượu thịt, đồ mới cho con cái, trang trí hoa cảnh để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hàng ngàn ngư dân, vì mưu sinh họ phải xa vợ con, ăn Tết giữa trùng khơi, họ vẫn đang túc trực tại con tàu cá của mình, để chuẩn bị nhiên liệu và lương thực thực phẩm cho chuyến biển “xuyên” Tết đón “lộc” biển.
Được biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán là những tháng mưa bão, tàu cá không thể ra khơi đánh bắt được nên suốt thời gian dài gia đình các thuyền viên phải sống trong cảnh khó khăn vì không có thu nhập. Thế nhưng, bước sang những ngày cận Tết thời tiết ấm áp, cá xuất hiện nhiều nên hàng ngàn tàu cá háo hức ra khơi.
Thường những chuyến biển ra khơi vào cuối năm âm lịch, đánh bắt trong 3 ngày Tết, cập bờ vào giữa tháng Giêng năm mới mang ý nghĩa rất quan trọng. Nếu chuyến biển này cập bờ, cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá của mình sẽ ăn nên làm ra.
Cái Tết của những ngư dân xa bờ chỉ thiếu duy nhất không khí gia đình chứ chẳng thiếu thứ gì. Cứ đến chiều 30 tháng Chạp, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm để tổ chức các chương trình ca nhạc. Họ cùng nhau tập trung về một chiếc tàu lớn nhất để ăn bánh mứt, rượu thịt xuống thúng chào mừng năm mới.
Tâm An