Lễ hội mùa xuân xứ Quảng

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 02:52, 05/02/2019

– Cũng như bao miền quê khác trên khắp cả nước, mùa xuân đến người dân ở các làng quê xứ Quảng bên việc cạnh sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, tất bật mua sắm chuẩn bị đón Tết đến, Xuân về thì cũng rộn rã, tưng bừng chuẩn bị tổ chức hội làng mùa Xuân để tri ân công đức những vị thành hoàng làng, những bậc tiền nhân, tổ nghề hay những vị thần linh đã có công phù hộ dân làng một năm bình yên đồng thời qua đó thể hiện ước vọng về một năm mới an lành, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…

>>> Kỳ tích kéo điện lên nóc nhà Đông Dương

>>> Tổng hợp lời chúc Tết Kỷ Hợi 2019 hay nhất dành cho sếp, bạn bè và đồng nghiệp

Nghi thức lễ cúng tại lăng Bà Chợ Được. Ảnh: Ngọc Đào

Hội làng xứ Quảng thường được tổ chức vào mùa Xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Sau một năm làm lụng trên ruộng đồng vất vả, sau một năm xa quê kiếm sống nơi đất khách quê người, mùa Xuân đến, ngày hội làng là dịp để cho mọi người được nghỉ ngơi, được trở về quê hương đoàn tụ gia đình và được sống trong không gian cộng đồng.

Từ những người con được sinh ra ở làng quê thân yêu đã trưởng thành đi làm ăn, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước, đến những người đang sống xa xôi nơi đất khách quê người… đến ngày hội làng cũng khát khao được về cội nguồn, đứng giữa đình làng, giữa nhà thờ tộc họ thành kính thắp một nén hương tri ân, tưởng niệm.

Trong tiết trời xuân trong xanh, mát mẻ, khi tiếng trống hội xuân rộn rã vang thúc giục, khắp xóm ngõ làng quê bừng lên một niềm vui nhộn nhịp. Người người, nhà nhà hoà chung niềm rộn rã, tấp nập mang lễ ra đình, lăng, nhà thờ tộc họ thành tâm cung kính.

Hội làng mùa Xuân xứ Quảng rất đa dạng, phong phú và mang sắc thái giá trị tiêu biểu riêng nhưng bao giờ phần nội dung của phần lễ cũng hướng tới tính thiêng liêng cao quý cần được suy tôn các bậc tiền nhân, các vị Thành Hoàng làng…, những vị thần bảo hộ như thần sông, thần núi như Lễ hội khai sơn ở làng Nghi Sơn (Quế Hiệp, Quế Sơn) hay những người có công khai phá vùng đất như: Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được (Bình Triều, Thăng Bình) hoặc dạy truyền nghề như Bà chúa Tầm Tang Đoàn Thị Quý Phi (Duy xuyên), tri ân những vị tổ của làng nghề như Lễ hội Cầu bông, Lễ hội làng mộc Kim Bồng, Lễ tế tổ nghề yến Thanh Châu (Hội An), … cũng như những người giàu lòng cứu nhân độ thế mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như Lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Thu, Duy Xuyên), Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên), Lễ hội Bà Phường Chào (Đại Cường, Đại Lộc)…

Hội làng xứ Quảng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt như: tế lễ, rước kiệu, sau các nghi thức tế lễ là phần hội với các trò vui và hát xướng…

Nói đến hội làng trên đất Quảng Nam, không thể không kể đến Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được – lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm. “Hằng năm mười một tháng Giêng/Trưng cộ, hát bội, đua thuyền tri ân”. Đây là một lễ hội truyền thống đặc trưng, có mặt trong đời sống của người dân Thăng Bình hàng trăm năm qua, là lễ hội mang tính ý nghĩa lịch sử sâu sắc tái hiện quá khứ sầm uất của vùng sông nước Trường Giang cách đây hàng trăm năm.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân làng cộ thi tài năng trên các bàn cộ với các tiểu phẩm được trích đoạn từ truyền thuyết, lịch sử qua các bàn cộ, như: Bác Hồ ở Pác Pó (Cao Bằng), Hai Bà Trưng ra trận, Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán… Tháng Giêng âm lịch còn có một lễ hội được tổ chức vào ngày 12 âm lịch tại làng Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên), đó là Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng tại làng Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên). Đây là một trong những lễ tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu – Mẹ xứ sở, mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác ở Quảng Nam. Lễ hội gắn với các nghi thức tín ngưỡng nông nghiệp rất độc đáo mà ít nơi ở Quảng Nam còn giữ được…

Qua tháng Hai âm lịch, lễ hội làng mùa xuân ở xứ Quảng được tiếp nối với Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức từ ngày 10 đến 12 hàng năm tại làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên). Đây là lễ hội lớn nhằm tôn vinh Bà Thu Bồn – vị thần luôn gắn với hình ảnh con sông Thu Bồn và được xem là Bà mẹ của xứ sở tại làng Thu Bồn, nơi có con sông Thu Bồn chảy qua. Lễ hội được tổ chức để gửi gắm ước nguyện cho quốc thái dân an, đất trời mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, gia đình nhà nhà hạnh phúc ấm no…

Sau Lễ hội Bà Thu Bồn là lễ hội Bà Phường Chào được tổ chức vào ngày 25 tháng 2 âm lịch tại thôn Phiếm Ái (Đại Cường, Đại Lộc). Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Kinh. Là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no…

Tháng Ba âm lịch, dòng chảy lễ hội mùa xuân xứ Quảng tiếp nối với Lễ giỗ tổ nghề yến Thanh Châu được tổ chức tại Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An) vào ngày 10 tháng Ba nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công tìm kiếm, khai phá, bảo quản và lưu truyền nghề yến mấy trăm năm qua cho đến bây giờ. Đây cũng là dịp người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mong cho những chuyến ra khơi luôn đầy ắp tôm cá,  ngư dân sức khỏe dồi dào, đàn yến khỏe mạnh, không ngừng sinh sôi… Ngoài tri ân tổ nghề, còn có lễ tế âm binh, cầu siêu cho những vong hồn ngư dân bỏ mạng trên biển do gió bão…

Từ miền biển Hội An ngược về Duy Trinh (Duy Xuyên) để tham dự Lễ hội bà chúa Tằm Tang được tổ chức vào rằm tháng 3 tại xã nhằm tri ân Bà Chúa Tằm Tang (Đoàn Quý Phi) – người có công khuyến khích, phát triển nghề tằm tang trên đất Duy Xuyên và để quảng bá thương hiệu một làng nghề truyền thống đã ra đời cách đây gần 400 năm….

Nhìn chung, mặc dù lễ hội mùa xuân ở xứ Quảng thể hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng, song việc tổ chức phần hội và phần lễ trong những ngày hội làng lại có ý nghĩa giáo dục và mang tính gắn kết cộng đồng cao. Việc tham gia vào lễ hội sẽ làm cho con người ta gạt bỏ đi hết mọi điều ác mà hướng thiện. Làm tan biến những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng, những toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được nỗi lòng thanh thản, vô tư, đồng thời cũng nhắc nhở cho bản thân và cũng răn dạy cho con cháu làng mình biết ơn và tri ân công đức của các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân… Với những ý nghĩa nhân văn đó, mong sao lễ hội vào những dịp đầu xuân ở xứ Quảng mãi mãi được trường tồn.

Mai Hồng Lâm

   

Mai Hồng Lâm