Máu xương các anh hòa vào đất Mẹ
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 04:33, 17/02/2019
– Vị Xuyên (Hà Giang) những ngày đầu năm 2019 lạnh buốt. Trên đỉnh Đài hương 468, nhìn về phía cao điểm 1509 mịt mù mây phủ. Những câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới chống quân xâm lược 40 năm trước cứ nối dài…
>>> Đề phòng lốc và mưa đá ở các tỉnh phía bắc
>>> Nghệ An – Bài 8: Tiến độ mở lại đường Hồ Tông Thốc quá chậm so với chỉ đạo của UBND tỉnh
Cờ Tổ quốc bay trên Đài hương 468, phía xa xa là cao điểm 1509. Ảnh: Trường Phong Ảnh: Trường Phong
Chết hóa đá, thành bất tử
Chỉ xuống con đường ngoằn ngoèo dẫn lên Đài hương, ông Xuyên nói, bây giờ đường dễ đi nhiều rồi, nhưng nếu mưa thì vẫn khó. Ấy vậy mà ngày xưa, thế hệ chiến đấu chống quân Trung Quốc khi ấy còn gian nan, vất vả hơn nhiều. Vác đạn, vác bê tông cả 80 – 90 cân lên làm hầm hào, công sự dọc theo đường mòn nhỏ vốn chỉ là chỗ ngựa đi. Ông Xuyên nói, đến Đài hương, ai cũng nhìn các cao điểm, xen lẫn cảm giác xót xa, đặc biệt là cao điểm 1509. Theo cánh tay chỉ thẳng hướng mặt trời lặn, ông Xuyên bảo bộ đội mình ở trên đó từ những năm 1978. Cuối năm 1978, tình hình bắt đầu căng thẳng. Đến năm 1984, quân Trung Quốc chiếm được chỗ này rồi xây hầm hào, công sự kiên cố…
Ông Xuyên là người thứ 3 trông coi Đài hương 468. Có lẽ cũng là cái duyên, khi ông từng là cựu chiến binh chiến đấu trên mặt trận này, thuộc Trung đoàn 824. Trong suốt giai đoạn 1979 – 1984, ông có mặt ở hầu hết các điểm cao. Do đặc trưng là lính đặc công, ông không tham gia chiến đấu nhiều, chỉ đi nắm tình hình, nhưng chỗ nào nóng bỏng nhất là ông có mặt. Ban đầu, ông chỉ nhận trông Đài hương 1 – 2 tháng, nhưng rồi tiếp tục công việc đến tận hôm nay.
Nói về Đài hương, ông Xuyên kể, trước đây, cựu chiến binh lên thăm chiến trường đã dựng một cây hương phía dưới. Những dịp tháng 7, nhiều đồng đội lên thăm chiến trường xưa đều hướng về phía các cao điểm mà gào thét “Đồng đội ơi, chúng mình lên thăm đồng đội đây”. Sau này, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, đồng ý chủ trương xây Đài tưởng niệm 468. Rồi chính các cựu chiến binh đứng lên kêu gọi xã hội hóa, quyên góp để hoàn thành như ngày hôm nay. “Bây giờ trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh. Người dân khắp cả nước đều về đây để nhớ về những người ngã xuống vì biên cương Tổ quốc. Ngày xưa, quân đoàn 3 kéo từ trong Tây Nam ra, cũng có nhiều người ở miền trong”, ông Xuyên nói.
Đi là cứ đi thôi
Ở Thanh Thủy, những địa danh như ngã ba cửa tử, đồi thịt băm… vẫn còn là ký ức bi hùng của quân và dân ta chống kẻ xâm lược. Từ các điểm cao, quân Trung Quốc bắn phá không ngừng nghỉ, đá núi nóng quá, nở thành vôi, cây cối còn tan nát hết. Ông Xuyên, người trông Đài hương, lâu nay trở thành “hướng dẫn viên” mỗi dịp có khách lên thăm viếng. Chỉ tay xuống khu vực hướng về phía UBND xã Thanh Thủy, ông Xuyên bảo, ngày xưa khu vực này bị bắn tan hoang hết, không còn một cái gì cả. “Nghĩ đến bây giờ mới sợ chứ còn hồi đó thì đi không biết sợ là gì. Đi để trả thù cho đồng đội. Việc đi là cứ đi thôi”, ông Xuyên nói.
Ký ức của người cựu chiến binh năm xưa vẫn in hằn từng giờ, từng phút của những trận đánh phản công lấy lại các cao điểm 1509 và 772. Ông Xuyên nhớ, ngày 2/4/1984, khoảng 9 rưỡi sáng, trời quang mây tạnh, quân đoàn 14 của Trung Quốc bắn loạt đạn đầu tiên rồi kéo dài khoảng 26 ngày, làm hầm hào, công sự của bộ đội ta hỏng hết, cây cối tan hoang, mặt trận mìn phục kích cũng bị bắn tung hết. Đến khoảng 5h kém 15 ngày 28/4, quân Trung Quốc “gọi” một lữ đoàn pháo của Quân đoàn 14 cách khoảng chục cây bắn vào cao điểm 1509 và 772. Nó bắn khoảng 5 – 10 phút, bộ đội nghe tiếng nổ chạy ra thì nó đã đến giao thông hào rồi. Ở 1509, bộ đội ta nổ súng từ 5h kém, đẩy lùi được nó. Đến 15h chiều thì đánh giáp lá cà, mình dồn nó xuống cao điểm 1100. Ở cao điểm 772, bộ đội ta đẩy lùi được 9 đợt tấn công của nó…
Đến khoảng đầu tháng 5/1984, Sư đoàn 316, 356 chi viện và tiếp nhận mặt trận này. “Ngày 12/7, 4h sáng mình nổ súng, thông tin liên lạc vẫn thông suốt. Bộc phá lớn nổ, đặc công đánh, cả khu vực rực lửa hết.. Quân Trung Quốc làm nhiễu sóng hết, không liên lạc được. Đến 8 – 9h sáng, Sư đoàn 356 truyền lệnh rút thì chẳng còn được bao nhiêu, hy sinh 592 đồng chí. Thịt xương hòa vào với đất. Sư đoàn 316 cũng hy sinh cả trăm người… chưa kể các đơn vị khác, lính công binh, xung lực. Cả ngày không ngớt một tiếng súng. Cả khu này mù mịt hết”, ông Xuyên nói…
Ngoài cán bộ, chiến sĩ, còn cả những người làm nhiệm vụ vận tải. Họ vác súng đạn vào trận địa, quay ra thì khiêng thương binh, tử sĩ, 10 người vào thì trở ra được 7 – 8. Hỏa lực rất ác liệt, chỉ nghe tiếng nổ đinh tai nhức óc dọc đường biên. Đêm xuống, chiến sự tạm ngưng, đất ở trên vùng bắn phá xốp đến mắt cá chân. “Rất đau xót. Bộ đội ta nhiều người hy sinh”, ông Xuyên nói.
Theo Tiền Phong