Cơ quan quản lý Nhà nước không được né báo chí, cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 02:34, 05/03/2019

Moitruong.net.vn – Né tránh, gây khó khăn cho báo chí trong tiếp cận thông tin. Chính phủ ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí

Né tránh báo chí, gây khó khăn cho báo chí trong tiếp cận thông tin,… là hiện tượng mà dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê phán. Vì thế, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, hy vọng hiện tượng trên sớm được khắc phục.

Theo đó, Nghị định 09/2017 được Chính phủ ban hành ngày 9/2, có hiệu lực từ 30/3/2017 quy định, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi chung là người phát ngôn) hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải có trách nhiệm phát ngôn trước báo chí. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.

Ảnh minh họa

Với cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã là người chịu trách nhiệm phát ngôn trước báo chí. Trường hợp Chủ tịch UBND không thể phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện.

Ngoài ra, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Nghị định cũng quy định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần.

Với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, thông qua các hình thức như hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Trường hợp cần thiết, tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Các tổng cục, cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương và Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng phải cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản.

Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trường hợp xảy ra sự cố mang tính quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, trừ trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ hoặc người phát ngôn của Chính phủ thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ngay sau khi sự cố xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố.

Đối với sự cố liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Chính phủ giao chủ trì xử lý phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố.

Trường hợp xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.

Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi quản lý hoặc khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tin rằng từ nỗ lực của Chính phủ, với ý thức nghiêm túc về thẩm quyền, trách nhiệm của nhà báo và sự hợp tác tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các địa phương,… tình trạng nêu trên sẽ sớm được khắc phục, qua đó nâng cao tính minh bạch xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh của nhân dân.

Hà Linh (T/h)

   

Hà Linh (T/h)