Hà Nội: Nhân rộng công nghệ tách dầu mỡ trong nước thải ở các nhà hàng

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 04:03, 04/04/2019

– Thời gian tới, các quận, huyện ở Hà Nội sẽ lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ ở bếp ăn các trường công lập và khuyến khích các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sử dụng công nghệ thân thiện góp phần đảm bảo môi trường.

>>> Bristol (Anh): Áp dụng công nghệ khí canh để trồng rau xanh

>>> Giải pháp hữu hiệu: Tái sử dụng nước thải để bảo vệ tài nguyên nước

 

Ảnh minh họa

Công ty thoát nước Hà Nội vừa công bố thử nghiệm thành công công nghệ lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ ở các bếp ăn nhà hàng, trường học, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Theo công ty, hệ thống này được thiết kế giống như một bể chứa nước được chia làm hai ngăn, một ngăn khi qua hệ thống lọc, dầu mỡ sẽ đọng lại thành màng ở phía trên bề mặt, ngăn còn lại là nước đã qua xử lý thải ra ngoài môi trường.

Thử nghiệm ở hơn 60 nhà hàng, bếp ăn cơ sở công lập tại một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng… cho thấy hệ thống nước chảy ra môi trường đã được tách tới trên 90% chất dầu mỡ.

Hiện ô nhiễm dầu mỡ đối với môi trường nước rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp kiểm soát triệt để tại chỗ, dầu mỡ sẽ bị quấn lại, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt gây tắc nghẽn đường ống thoát nước, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, các loài động, thực vật và gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đây là khối lượng dầu mỡ được tách bằng thiết bị tách dầu mỡ hiện đại sau 3 tuần lắp đặt.

Nếu như trước đây lượng dầu mỡ này được xả thẳng ra môi trường, gây nhiều phiền phức cho đơn vị kinh doanh này và làm ô nhiễm môi trường thì nay, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Hệ thống ngăn lắng lại, tách đạt 80-90%.

Hiện thiết bị tách dầu mỡ đã và đang được thử nghiệm ở hơn 60 nhà hàng, bếp ăn cơ sở công lập tại một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Qua thí điểm, cho thấy hệ thống nước chảy ra môi trường đã được tách tới trên 90% chất dầu mỡ.

Đại diện một nhà hàng ở Cầu Giấy cho hay trước khi lắp đặt thiết bị, trong hố ga dầu mỡ tồn lưu đóng thành bánh, hàng ngày phải huy động 3-4 người dùng dây và quả găng kéo thông trong lòng cống mới thoát được nước. Qua thử nghiệm thiết bị, đến nay nước thải của nhà hàng trong hơn rất nhiều, hầu như không còn dầu mỡ tồn đọng.

Tuy nhiên, đại diện nhà hàng này nói, “hiện nay với giá 60 triệu đồng một bộ và khoảng 2 triệu đồng để bảo trì, thuê thu dọn chất thải thì chi phí ở mức cao, do vậy Công ty nên nghiên cứu hạ giá thành để nhân rộng”.

Bà Đặng Anh Thư, Phó cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng cho rằng thiết bị tách dầu mỡ là ý tưởng hay để bảo vệ môi trường, hạn chế được tình trạng tắc các đường ống nước thải, gây ngập úng cục bộ.

Tuy nhiên, bà Thư cho rằng để nhân rộng ra toàn thành phố thì Công ty thoát nước cần nghiên cứu kỹ hơn và có một bản đánh giá, báo cáo chi tiết về ưu, nhược điểm của công nghệ này; đưa ra chi phí cụ thể cho từng chủng loại thiết bị để các cơ sở có căn cứ so sánh và quyết định lắp đặt hay không.

Với những hiệu quả thiết thực, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty thoát nước phối hợp với các quận, huyện bố trí nguồn kinh phí trong năm 2019-2020 để lắp đặt thiết bị này tại các bếp ăn tập thể của các trường học, đơn vị công lập; với các nhà hàng, quán ăn sẽ từng bước tuyên truyền, khuyến khích sử dụng.

Theo khảo sát mới đây của Công ty thoát nước Hà Nội tại lưu vực 4 sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ cho thấy tất cả các sông, hồ trên đều bị nhiễm mỡ; tổng lượng mỡ trong sông, hồ từ 0,5-2,5 mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5 mg/lít.

Đặc biệt, đây cũng là một trong số những nguyên nhân gây tắc cống và xảy ra tình trạng úng ngập ngay cả khi trời không mưa. Vì vậy, tách dầu mỡ ngay từ nguồn là một việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, để nhân rộng ra toàn thành phố thì cần một lộ trình cụ thể và sự hỗ trợ từ cả người dân và các đơn vị chức năng.

Ngọc Ánh (t/h)

   

Ngọc Ánh (t/h)