Kiên Giang: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:00, 11/04/2019
– Tỉnh Kiên Giang ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer phát triển nhanh, bền vững; trước mắt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
>>> Kiên Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện môi trường
>>> Ninh Thuận: Rùa Xanh nặng gần 20 kg bị cắt đứt lìa 2 vây chết trôi dạt trên biển
Sáng ngày 11/4/2019, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức Họp mặt Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào dân tộc Khmer. Các đồng chí Đặng Tuyết Em-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lâm Hoàng Sa-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Lê Thị Vệ-Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; Danh Phúc-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; cùng các đồng chí Ban Thường vụ và cán bộ, công chức, viên chức, các vị chức sắc, Ban quản trị chùa, người có uy tín tiêu biểu là dân tộc Khmer đến dự.
Phát biểu của đồng chí Đặng Tuyết Em-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Đặng Tuyết Em-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 kính chức các chư tăng và đồng bào Khmer trong tỉnh dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Tuyết Em biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của sư sãi, chức sắc, cán bộ, công chức viên chức và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua.
Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dân tộc Khmer dù đương chức hay nghỉ hưu, các vị Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức, các vị À Char, Ban Quản trị chùa và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu dành nhiều thành tích trong phát triển kinh tế-xã hội, gữi gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống truyền thống tốt đẹp; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Nâng cao ý thức cảnh giác chống lại âm mưu của các thế lực thù địch góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cùng chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, mọi người, mọi nhà có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Văn nghệ chào mừng buổi họp mặt
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Tuyết Em yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường công tác dân tộc Khmer trong tình hình mới”. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer phát triển nhanh, bền vững; trước mắt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phong trào tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào. Quan tâm hơn nữa sự nghiệp giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội… Đồng thời, tổ chức thăm hỏi kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo dân tộc khmer có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong không khí vui tươi, đầm ấm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm lãnh đạo tỉnh
Tại buổi họp mặt, ông Danh Phúc-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã ôn lại truyền thống đã nhắc lại ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer và thông báo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Theo đó, đến nay toàn tỉnh Kiên Giang có 51 xã và 1 huyện được công nhận nông thôn mới, trong đó có 29 xã có đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 6.931 hộ năm 2017 giảm còn 4.854 hộ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 96%; cấp 79.479 thẻ bảo hiểm y tế, với kinh phí trên 57 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cho 3.068 lượt hộ đồng bào dân tộc vay vốn với số tiền 58,229 tỷ đồng để phát triển sản xuất; bố trí trên 21,439 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ nước sạch sinh hoạt cho trên 3.200 hộ đồng bào.
Toàn tỉnh hiện có 75 chùa phật giáo Nam tông Khmer với 823 sư sãi. Tỉnh tạo điều kiện và hỗ trợ cho Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp hoạt động theo đúng Điều lệ, các cấp hội làm tốt việc phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách cho sư sãi, các vị trong Ban quản trị chùa và đồng bào. Ngoài việc hành đạo và tu học, các chư tăng Khmer tham gia vận động đồng bào bổn sóc tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, như: xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, điều trị bệnh, hiến máu nhân đạo… Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng người dân tộc Khmer. Trong năm 2018, đã phát triển mới được 49 đảng viên, nâng đảng số đảng viên người dân tộc Khmer lên 2.843 chiếm 5,68% so với tổng đảng viên toàn tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer có 2.385 người, chiếm 7,97% so với toàn tỉnh.
Quốc Tuấn