Hà Nội: Bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng bền vững
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:00, 07/11/2019
Để thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.
Đơn cử như tại các làng nghề giáp ranh Hà Nội như huyện Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Hà Nội. Nơi đây đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, tập kết rác thải.
Môi trường tại các làng nghề ở Hà Nội cần được quan tâm đặc biệt
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn, gồm nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu – Hoài Đức, công suất 20.000m3/ngày đêm đã hoàn thành, quản lý vận hành từ tháng 10/2016.
Cơ bản hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức công suất 8.000m3/ngày đêm, tiếp nhận nước thải của 5 xã: Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên. Dự kiến vận hành chính thức trong năm 2019. Đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề dệt nhuộm xã Phùng Xá – Mỹ Đức (công suất 500m3/ngày đêm).
Thành phố đã kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề gồm 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ nay đến khi các dự án đi vào hoạt động hiệu quả vẫn cần một thời gian nhất định, trong khi đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại các làng nghề, hiện nay được thực hiện bởi các tổ thu gom tự quản do chính quyền đị phương trực tiếp quản lý trên cơ sở nguồn thu phí vệ sinh môi trường.
Với nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế như vậy thì vai trò của người dân địa phương là rất quan trọng, mỗi người dân cần phải trực tiếp tham gia vào trong quá trình bảo vệ môi trường sống của mình thì các đề án mới phát huy được hiệu quả.
Minh Trang (T/h)