Giá bán điện ưu đãi cho người thuê trọ bị… phá sản!
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 07:30, 06/05/2019
Tính từ cuối tháng 10 năm 2018, khi Thông tư 25 của Bộ Công Thương (BCT) quy định áp dụng giá bán điện ưu đãi cho người thuê nhà trọ, được ban hành và có hiệu lực thì tất cả những người thuộc diện đi thuê nhà trọ, trong đó chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo, đều cảm thấy vui mừng khôn xiết vì từ nay sẽ không phải chịu cảnh trả tiền điện với giá cao đến cắt cổ từ các chủ dịch vụ nhà trọ “tham lam”!
Thế nhưng, niềm vui của người đi thuê trọ chưa kéo dài được bao lâu (chỉ khoảng 4 tháng), thì vừa qua tháng 3/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng giá bán điện lên thêm 8,36%, so với mức giá cũ. Với mức giá như vậy nên bắt buộc các chủ nhà trọ cũng đồng loạt ngay tức thì tăng giá bán điện cho người thuê trọ. Và như thế Thông tư 25 của BCT quy định về việc áp giá bán điện ưu đãi cho các đối tượng thuê nhà trọ chính thức bị coi là… phá sản(?!)
Việc Nhà nước đồng ý cho EVN tăng giá bán điện đã ngay tức thì tác động rất lớn tới đời sống, nền kinh tết mọi mặt ở nước ta, khi mà giá các mặt hàng tiêu dùng đều đồng loạt có dấu hiệu “phi nước đại”, bởi điện là một trong những nguồn năng lượng chính liên quan và tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện tác động như thế nào đối với nền kinh tế xin tạm bàn luận sau, mà trước mắt tôi chỉ muốn nói tới những người đi thuê trọ, khi họ chịu sự tác động bằng việc các chủ dịch vụ ngay lập tức tăng giá bán điện mới cao hơn.
Người xưa từng nói: “Nước nổi thì bèo nổi theo”, và khi EVN tăng giá điện thì chủ dịch vụ tăng đồng thời theo giá bán điện mới cho người đi thuê trọ cũng là hợp lý, bởi theo như cái cách mà đại đa số các chủ nhà trọ giải thích thì nếu như họ không tăng làm sao thấu nổi, làm sao chấp nhận cảnh bù lỗ…
Như chúng ta biết, bình thường thì người đi thuê trọ đã luôn phải chịu cảnh mua điện của chủ nhà với giá đắt, thậm chí cao đến cắt cổ. Theo như tôi biết, mức giá bán mà các chủ trọ ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước thường “áp” phổ biến nhất đối với người thuê trọ là từ 3.000 đồng đến 3.500 đồng/kWh. Khi Thông tư 25 của BCT có hiệu lực thì cũng có những chủ trọ đã giảm tiền điện cho người đi thuê, khi họ lấy giá bán ở mức khoảng từ 2.300 đồng đến 2.500 đồng/kWh. Trong tình hình hiện nay, khi mà giá bán điện mới tăng thêm 8,36% của EVN, vừa được BCT thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3 năm 2019, thì gần như 100% các chủ nhà trọ đều thông báo với người thuê về việc tăng giá điện.
Phổ biến nhất, và chiếm tới 80% là trường hợp các chủ dịch vụ thu thêm của người thuê trọ 500 đồng/kWh, so với mức giá bán điện cũ, nghĩa là nếu người thuê trọ đang chịu mức 3.000 đồng/kWh thì nay lên thành 3.500 đồng/kWh. Còn lại các chủ trọ nâng giá điện lên tới 1.000 đồng/kWh, so với mức giá điện cũ, hay cá biệt có chủ trọ vốn đã “chém” giá điện cao ngất ngưởng 4.500 đồng/kWh, nay nhân cơ hội họ cũng nâng tiếp lên thành 5.000 đồng/kWh…
Việc các chủ trọ tăng giá điện đối với người đi thuê thêm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kWh như thế là vượt khung mức tăng chung 8,36% theo quy định của EVN rất nhiều. Và như vậy có thể nói rằng, nhân cơ hội tăng giá điện này không ít chủ dịch vụ đã “tát nước theo mưa” để thu lợi nhuận từ sự vất vả của người đi thuê trọ, bắt họ phải “gánh” tiền điện giá cao cắt cổ…
Vâng, việc tăng giá điện khiến Thông tư 25 của BCT bị… phá sản như vậy, cũng đồng nghĩa với nỗi khổ, sự vất vả của các đối tượng đi thuê trọ càng tăng thêm. Thiết nghĩ BCT, EVN cần có một chính sách ưu đãi mới trong việc áp giá bán điện cho các chủ dịch vụ nhà trọ cũng như các đối tượng thuê nhà, để cuộc sống vốn đã quá vất vả và luôn thiếu trước hụt sau của công nhân, sinh viên, người lao động nghèo… được nhẹ gánh, dễ thở phần nào!
Trịnh Viết Hiệp