Ngành năng lượng gặp khó khăn khi giảm phát thải CO2

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:30, 05/11/2019

Moitruong.net.vn – Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của ngành năng lượng trên toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào những năm trở lại đây.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 mô tả các kịch bản cho ngành năng lượng Việt Nam nhằm đạt được một lộ trình phát triển bền vững và có chi phí thấp nhất, giảm phát thải CO2 so với các mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2017 – 2020 do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, chiều 4/11, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch tổ chức Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019.

Ảnh minh họa

Báo cáo trình bày các kết quả nghiên cứu về các kịch bản phát triển điện và năng lượng và các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Có 5 thách thức trong phát triển năng lượng Việt Nam. Cụ thể, nhu cầu năng lượng tăng mạnh đặt ra yêu cầu phải thực hiện tiết kiệm năng lượng theo hướng hiệu quả hơn. Các nguồn năng lượng như than, dầu đang chiếm ưu thế đã được khai thác, bị phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, phải xây dựng cảng mới để nhập khẩu than và khí. Nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, nhưng đặt ra thách thức trong việc tích hợp điện gió và điện mặt trời trong hệ thống điện, các công cụ chính sách. Thách thức trong cân bằng điện khi năng lượng tái tạo phát triển. Cuối cùng là thách thức trong giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cần sớm dừng đầu tư nhà máy nhiệt điện than mới, tiết kiệm năng lượng là cần ưu tiên để góp phần giảm phát thải CO2, giảm nhập khẩu nguyên liệu.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách nhà nước, đi ngược lại với chính sách khai thác tận thu tối đa, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên than được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Minh Anh (t/h)

Minh Anh (t/h)