TP.Hồ Chí Minh: Ban hành tiêu chí và quy trình công nhận “khu phố sạch, không xả rác”

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:30, 05/11/2019

Moitruong.net.vn – UBND TP.HCM đã ban hành tiêu chí và quy trình công nhận “Khu phố – ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” và “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”.

UBND Thành phố vừa ban hành tiêu chí và quy trình công nhận “Khu – phố ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Phường – xã – thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” và “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh” tại Quyết định số 4700/QĐ-UB.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, mỗi ngày TP có khoảng 40 tấn rác và 70.000 m3 nước thải xả ra các tuyến kênh rạch, sông ngòi. Việc xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm tăng ô nhiễm môi trường như đất, nước, không khí; tăng chi phí xử lý rác đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đoàn viên thanh niên tích cực dọn dẹp vệ sinh kênh Rạch Lăng, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh

Theo đó, danh hiệu “Khu – phố ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” có 8 tiêu chí với tổng điểm 100. Trong đó, có 3 tiêu chí được chấm với thang điểm cao hơn cả là: không có điểm/khu vực ô nhiễm về rác thải (hoặc giải quyết 100% các điểm/khu vực ô nhiễm về rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực này); không có công trình, nhà cửa lấn chiếm, cửa xả hố ga thoát nước và hệ thống sông, kênh, rạch; có công trình/mô hình hiệu quả mang tính thiết thực, sáng tạo và lợi ích về môi trường.

Đối với danh hiệu “Phường – xã – thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” cũng có 8 tiêu chí với tổng điểm 100, trong đó có 2 tiêu chí chấm với thang điểm cao hơn (20 điểm/tiêu chí) là: không có điểm/khu vực ô nhiễm về rác thải (hoặc giải quyết 100% các điểm/khu vực ô nhiễm về rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực này); không có công trình, nhà cửa lấn chiếm, cửa xả hố ga thoát nước và hệ thống sông, kênh, rạch.

Về tiêu chí công nhận danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh” gồm: Công trình, giải pháp, sáng kiến mang tính thiết thực, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Hiệu quả của công trình, giải pháp, sáng kiến (đối với xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường…). Quy mô và phạm vi ảnh hưởng; sự tham gia của cộng đồng dân cư hoặc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện và duy trì; khả năng duy trì và nhân rộng; thu hút các nguồn lực triển khai.

Về quy trình đánh giá và công nhận, UBND quận – huyện xét và công nhận cấp quận – huyện; Sở, ban, ngành xét và đề xuất “công trình, giải pháp, sáng kiến xanh” của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc gửi Ban Thi đua – Khen thưởng (Sở Nội vụ TP) tổ chức thẩm định, đề xuất trình UBND TP công nhận; UBND TP xét và công nhận cấp TP.

Ngọc Phương

Ngọc Phương