Thông xe cầu Vàm Cống kết nối Đồng Tháp với Cần Thơ
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 04:00, 20/05/2019
Sáng 19-5, Bộ GTVT, cùng UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống.
Tham dự buổi lễ Khánh thành cầu Vàm Cống có đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và đông đảo người dân hai bên bờ sông Hậu và các tỉnh thành lân cận.
Công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa rất lớn trong việc kết hạ tầng giao thông vùng và được khởi công 9-2013.
Cầu Vàm Cống thông xe sẽ kết nối các địa phương khu vực sông Hậu tốt hơn
Cầu Vàm Cống được thiết kế là cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).
Cầu Vàm Cống có chiều dài 2,97 km, trong đó phần cầu vượt sông dài 870 m, nhịp chính dài 450m và đường dẫn dài 2 km. Cầu có quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn xe thô sơ), tốc độ thiết kế 80km/giờ.
Tổng mức đầu tư của dự án cầu Vàm Cống là hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc (200 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc khánh thành cầu Vàm Cống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kết nối hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL. Người dân trong vùng không còn chịu cảnh lụy phà, điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Cây cầu góp phần “chia sẻ” áp lực giao thông với QL1A, thông thương hàng hóa dễ dàng hơn. Như đánh giá của Bộ GTVT, việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu vào sử dụng, kết hợp với dự án thành phần 1- cầu Cao Lãnh và dự án thành phần hai tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống đã khai thác sử dụng từ tháng 5-2018 sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển KT-XH và tăng cường đảm bảo AN-QP trong khu vực
Ngoài ra, cầu Vàm Cống nằm trong trục giao thông xuyên vùng Đồng Tháp Mười, kết nối với TPHCM qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang tạo nên một mắc xích trên đường Hồ Chí Minh, góp phần thu hút đầu tư, đem lại động lực phát triển của các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Chào đón sự kiện quan trọng này, trước giờ chính thức thông xe cầu Vàm Cống, hàng ngàn người dân đã đổ về phía đường dẫn hai bên cầu để được tận mắt chứng kiến thời điểm lịch sử khánh thành chiếc cầu bắc ngang đôi bờ sông Hậu.
Tuy đây không phải là cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu nhưng cầu Vàm Cống có vị trí quan trọng khi nối địa phương “khuất nẻo” Đồng Tháp với vùng đất Tây Đô. Do đó thời khắc khánh thành công trình này được người dân mong chờ hơn bao giờ hết.
Cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng là niềm mong mỏi của hàng ngàn hộ dân
Từ chiều 18-5, dù lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hai đầu cầu để chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành sáng nay 19-5, nhiều người dân phía bờ Đồng Tháp vẫn kéo nhau ra đứng ngay chân cầu rồi đi bộ lên cầu 1 đoạn để ngắm rõ hơn công trình sắp đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Khoa, 66 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp, cho biết khoảng 1 tuần nay chiều nào ông cũng chạy xe máy ra chân cầu để hóng mát rồi đi bộ lên cầu một đoạn.
“Thiệt sự tôi không dám nghĩ có ngày lại được ngắm nhìn cây cầu nối đôi bờ sông Hậu như thế này. Cứ tưởng cả đời phải lụy phà rồi chứ”, ông Khoa nói và cho biết trong ngày đầu thông xe, ông sẽ chạy xe máy từ bên bờ Đồng Tháp qua Cần Thơ ăn một tô hủ tiếu rồi uống một ly cà phê trước khi chạy xe quay về.
Trong khi đó, nhiều nhóm bạn trẻ từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng tập trung về đường dẫn cầu Vàm Cống để chụp ảnh kỷ niệm ngày đầu thông xe.
Quỳnh Trang