Phấn đấu đưa Huế trở thành Thành phố sáng tạo và công nghệ
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:33, 17/06/2019
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại lễ khai mạc.
Đến tham dự buổi lễ có ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Lê Trường Lưu – Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng nhiều khách mời là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín ở trong nước và trên thế giới, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh, đại diện các doanh nghiệp và Startup.
Ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, sự kiện hôm nay khởi đầu cho chương trình thúc đẩy phát triển, và được xem là cú huých trong chiến lược phát triển để Huế trở thành Thành phố sáng tạo và công nghệ trong thời gian tới. Có thể khẳng định rằng, công nghệ là một yếu tố hết sức quan trọng của tăng trưởng. Công nghệ phải kết hợp hài hòa với khai thác hợp lý. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Huế đang muốn tận dụng cơ hội này trên cơ sở những nền tảng thế mạnh của địa phương. 4 thế mạnh địa phương riêng có: Huế là một vùng di sản, có một Cố đô Huế còn khá nguyên vẹn, một vùng đầm phá với quy mô trên 22.000 hec-ta (vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á), nguồn nhân lực tri thức của Huế đứng thứ 3 sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Huế đang chuyển mình và thật sự đổi mới từ nhận thức đến hành động. Quan điểm phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Trong khuôn khổ buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Thế Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT đã có phần chia sẻ một vài gợi ý về Huế trong nền kinh tế số. Ông Albert Antoine – Doanh nhân, chuyên gia công nghệ cũng đã chia sẻ về định hướng phát triển Huế trở thành Thành phố Sáng tạo và Công nghệ với nhiều ý kiến thiết thực. Ngay sau lễ khai mạc, các chuyên gia, khách mời đã cùng nhau trao đổi về chuyên đề “Chính sách phát triển Thành phố sáng tạo và công nghệ” và “Xu hướng Công nghệ”.
Tại Diễn đàn “Chính sách phát triển Thành phố sáng tạo và công nghệ”, các chuyên gia đã thẳng thắn chia sẻ và chỉ rõ những thế mạnh, hạn chế, bất cập và giải pháp cụ thể để xây dựng Huế trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng, Huế nên xây dựng Quỹ phát triển Huế do chính người Huế và doanh nghiệp đóng góp. Theo thống kê, Huế hiện có gần 6.000 doanh nghiệp, nếu trung bình mỗi doanh nghiệp đóng góp 1.000 USD thì chúng ta có ngay 6 triệu USD. Có nguồn lực thì tỉnh phải có hành động cụ thể để giữ chân nhân tài và đưa người tài về với Huế.
Các chuyên gia chia sẻ, hiến kế để giúp Huế ngày càng phát triển
“Về vấn đề nhân tài, chúng ta phải huy động nhân tài trong cả nước. Tham mưu xây dựng mức lương phù hợp để tạo công ăn việc làm. Nếu sinh viên học giỏi thì phải trao học bổng, cho đi học nước ngoài, tuy nhiên phải ràng buộc người được đào tạo, cấp học bổng phải ở lại Huế làm và làm phải mạnh hơn, chứ không nên hình thức. Bên cạnh đó, nếu có chương trình hành động cụ thể thì sau 1 năm sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt của Huế”, ông Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Tại Diễn đàn “Xu hướng Công nghệ”, các chuyên gia và giới trẻ đã có những chia sẻ về các mô hình công nghệ và phần trao đổi rất sôi nổi. Ông Lại Thái Phong – CEO WiiBike cho rằng, Huế là một thành phố du lịch, có cuộc sống chậm rãi nên rất dễ tiếp nhận sự phát triển của các ngành nghề, qua đó sẽ phát triển được mô hình đi xe đạp và giao thông công cộng. Để thực hiện được vấn đề này, chính quyền cần nghiên cứu, xây dựng chính sách ủng hộ hệ thống giao thông chia sẻ, qua đó sẽ cải thiện được hạ tầng giao thông và thay đổi bộ mặt của thành phố.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng sẽ liên quan đến diện tích, mật động giao thông, các chủ thể kinh doanh 2 bên đường. Do đó cần nghiên cứu và thiết kế để xây dựng các trạm giao thông phù hợp, hài hòa và làm đẹp cho thành phố. Xác định hệ thống giao thông chia sẻ này phục vụ cho đối tượng nào để có các chính sách phù hợp, bởi khi nó được thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Ông Albert Antoine – Doanh nhân, chuyên gia công nghệ cũng đã chia sẻ về định hướng phát triển Huế trở thành Thành phố Sáng tạo và Công nghệ
Ông Hyeon D.Yeo – Giáo sư tại Đại học George Mason (Mỹ) đã có phần chia sẻ của mình về mô hình đô thị thông minh thành công tại Hàn Quốc. Ông cho biết, ông đã tìm hiểu Cố đô Huế thông qua internet và thấy các dịch vụ ở đây khá hài lòng. Cảnh quan thiên nhiên và con người nơi đây rất tuyệt vời.
Theo ông Hyeon D.Yeo, một câu hỏi đặt ra cho những bạn quan tâm đến thành phố thông minh, đó là mức độ hài lòng của chúng ta như thế nào để có thể thỏa mãn được? Bởi thành phố công nghệ sẽ lấy yếu tố con người đặt lên hàng đầu vì công nghệ rồi đến lúc cũng sẽ bị lạc hậu và thay thế. Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh, cần nghiên cứu thật kỹ ở nhiều vấn đề. Nếu công nghệ chiếm lĩnh nhiều quá thì đó không thể là thành phố thông minh, mà hãy sử dụng các công nghệ hàng đầu thì đó mới gọi là Smart City.
“Huế có 4 thế mạnh là tri thức, truyền thống văn hóa di sản, thiên nhiên cảnh quan và di sản văn hóa. Trên cơ sở thế mạnh này, Huế sẽ có những chính sách cụ thể trong giáo dục đào tạo, trong phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế. Những hiến kế, góp ý tỉnh sẽ ghi nhận, những vấn đề còn bỏ ngỏ, hạn chế, tỉnh sẽ tiếp tục làm. Sắp tới tỉnh sẽ triển khai hội nghị về đổi mới giáo dục Huế, về phát triển nông nghiệp, công nghệ thông tin” Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu kết luận tại diễn đàn./.
Kỳ Anh – Đinh Văn