Cháy xe bồn và những biện pháp xử lý an toàn, hiệu quả cần biết
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 01:30, 24/07/2019
Khoảng 6h sáng 19-7-2019, trên quốc lộ 56, thuộc địa bàn xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xảy ra một vụ tai nạn giữa xe bồn chở dầu và xe ben. Hậu quả thảm khốc, 2 xe bốc cháy dữ dội, 2 người tử vong.
Hai chiếc xe bùng cháy dữ dội
Chiều ngày 26-2-2019, một xe bồn chở xăng dầu đột nhiên bốc cháy dữ dội trên Xa lộ Hà Nội, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Xe bồn hư hỏng nặng nhưng may mắn không có thiệt hại về người.
Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết “Xe bồn chở xăng, dầu có đặc điểm nếu chở vơi quá khi chuyển hướng, phanh dồn sẽ dễ gây nguy hiểm. Khi chở đầy quá, lượng nhiên liệu sẽ giãn nở nên cũng nguy hiểm. Do đó, mức nhiên liệu trong xi-téc xăng dầu phải luôn chấp hành đúng các quy trình, quy phạm và người bơm hàng, xếp hàng phải nắm được rõ cách thức vận hành này”.
Tại sao khi xăng, dầu cháy thì không được dập bằng nước?
Xăng, dầu là hỗn hợp hữu cơ, gồm nhiều chất khác nhau, thành phần chủ yếu là các ankan có phân tử lượng nhỏ, dạng lỏng.
Lí tính của xăng nhẹ hơn nước, không tan trong nước và dễ cháy. Chính vì thế, nếu dùng nước để dập cháy xăng, dầu thì không những đám cháy không tắt mà còn bùng cháy nhanh hơn bởi xăng sẽ nổi lên bề mặt nước, theo dòng nước mà lan rộng, khó kiểm soát, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chữa cháy xăng dầu bằng cát
Cát có tác dụng hấp thụ nhiệt và có thể ngăn vật liệu cháy tiếp xúc với oxy. Nhờ đó, quá trình cháy không thể duy trì và nhanh bị dập tắt. Khi xảy ra cháy xe bồn chở xăng, mọi người nên tìm cát xúc vào đám lửa để ngăn chất lỏng cháy và lan ra. Đây là nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm, cách sử dụng đơn giản nên được nhiều cây xăng lưu trữ để phục vụ hiệu quả quá trình chữa cháy.
Lực lượng cảnh sát PCCC sử dụng cát để dập lửa.
Chữa cháy xăng dầu bằng chăn chiên
Loại chăn này được làm từ sợi cotton, dễ thấm nước. Khi có hỏa hoạn xảy ra chỉ cần nhúng chăn cho thấm đều nước rồi chụp lên đám cháy để ngăn cách đám cháy với môi trường bên ngoài.
Nhờ ướt nước, các sợi cotton sẽ nở ra, làm kín bề mặt chăn, tăng hiệu quả của việc cách li đám cháy.
Đối với đám cháy nhỏ như trường hợp thùng phuy, can chứa xăng dầu bị cháy có thể dùng chăn, bao tải nhúng nước phủ kín chỗ bị cháy. Nếu xăng dàu chảy tràn ra ngoài mặt đất thì dùng đất, cát phủ kín đám cháy.
Trường hợp xăng dầu chứa trên ôtô, trên tàu hỏa cháy cũng có thể áp dụng biện pháp như trên để chữa cháy, đồng thời dùng bình chữa cháy dập tắt đám cháy.
Chữa cháy xăng dầu bằng bọt foam
Bọt foam chữa cháy được hiểu là một mảng bọt có khối lượng lớn, có tính bền, chứa đầy không khí, có tỉ trọng nhỏ hơn dầu, xăng, hoặc nước.
Hệ thống chữa cháy bằng bọt foam hoạt động theo nguyên tắc cách li là chủ yếu. Khi có lửa cháy thì hệ thống sẽ được kích hoạt và phun ra một loại bọt bao phủ lên trên bề mặt xăng dầu tách chất lỏng dễ cháy ra khỏi không khí và lửa.
Ngoài ra lượng nước có chứa trong bọt còn đóng vai trò làm lạnh nhiên liệu và trùm phủ không cho chất lỏng bốc hơi hòa trộn vào không khí tạo thành hỗn hợp cháy nổ.
Các bước dập lửa khi cháy xăng dầu
Đối với đám cháy lớn như trường hợp xe bồn chở xăng dầu bị cháy, tốc độ cháy rất lớn và ngọn lửa bốc cao nên chữa cháy là hêt sức khó khăn. Vì vậy, người dân cần phải tuân thủ các bước sau:
1. Báo động cho toàn cơ quan;
2. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC, công an hoặc chính quyền nơi gần nhất;
3. Sơ tán tài sản, phuy xăng dầu lân cận ra vị trí an toàn;
4. Rút bớt lượng xăng dầu trong bể cháy ra nơi an toàn (nếu có thể);
5. Dùng hệ thống phun nước làm mát bể bị cháy và bể lân cận;
6. Dùng hệ thống phun bọt dập tắt đám cháy;
7. Thông báo tình hình cháy, loại chất cháy… theo yêu cầu của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp;
8. Chịu sự chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC;
9. Bảo vệ hiện trường vụ cháy.
Khi chẳng may có sự cố xảy ra, người điều khiển xe bồn phải biết cách xử lý chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại không đáng có.
Phát hiện điều bất thường, lái xe cần nhanh chóng thoát thân và báo ngay cho cơ quan chức năng sở tại khi có hoả hoạn xảy ra để lực lượng cứu hoả, cứu hộ kịp thời ứng phó.
Ngoài bằng lái xe thì người điều khiển xe bồn cần được đào tạo về việc phòng cháy chữa cháy vì đây là một phương tiện di chuyển đặc biệt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Mai Dung (t/h)