Kiên Giang: Đẩy nhanh công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:30, 28/07/2019
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư và nhà đầu tư còn chậm và nhiều hạn chế; khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có xu hướng tăng và phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự xã hội cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh minh họa.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các ngành, các cấp cũng đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư và nhà đầu tư còn chậm và nhiều hạn chế; khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có xu hướng tăng và phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự xã hội cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Những hạn chế có nguyên nhân khách quan như: Khối lượng công việc giải phóng mặt bằng lớn, quy định của pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn có vướng mắc trong thực tế khi triển khai thực hiện…
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu thuộc trách nhiệm của các địa phương, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện; trình độ chuyên môn một số cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn hạn chế; một số ngành, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các chủ dự án và tổ chức có liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng, bàn giao đất thực hiện các dự án.
Rà soát lại quỹ đất tái định cư, tận dụng các khu tái định cư đã có để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời, chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng theo thẩm quyền trên cơ sở tính toán giá thành đảm bảo các điều kiện về điện, nước,… và phù hợp với mặt bằng tái định cư của địa phương. Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Việc quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm trong cùng một ngày theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền từ cơ sở, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Tích cực vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành bàn giao mặt bằng theo quy định. Các trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng thì rà soát về trình tự, thủ tục, hồ sơ, nếu đảm bảo thì phối hợp với lực lượng công an chủ động triển khai công tác cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó cần lưu ý đất đã quy hoạch theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý nhằm tránh phức tạp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thống kê lao động trong độ tuổi bị mất việc làm, số lao động cần chuyển đổi nghề nghiệp, số lao động có nhu cầu học nghề tại nơi bị thu hồi đất sản xuất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ Địa chính – Xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cập nhật kịp thời các biến động về đất đai để phục vụ công tác quản lý đất đai nói chung và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận hồ sơ bồi thường do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng gửi đến phải nhanh chóng thẩm tra xác nhận nguồn gốc đất đai, chính sách ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tái định cư,… đảm bảo đúng thời gian quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chấp hành pháp luật về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; chỉ đạo các đoàn thể cấp huyện, xã cùng thực hiện các nhiệm vụ trên.
Công an tỉnh tăng cường công tác nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực dự án có nguy cơ mất ổn định; có phương án xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi chống đối, cản trở, lôi kéo, xúi giục, kích động nhân dân,…vi phạm pháp luật. Chỉ đạo công an các huyện, thành phố căn cứ vào phương án cưỡng chế thu hồi đất, xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Trương Anh Sáng