Thêm hành tinh mới có 3 mặt trời được phát hiện
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 04:00, 30/07/2019
Đội ngũ chuyên gia Mỹ đã phát hiện hành tinh mà họ gọi là LTT 1445Ab nằm ngoài hệ Mặt trời của chúng ta nhưng chỉ cách Trái đất 22,5 năm ánh sáng. Hành tinh này được phát hiện bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh (TESS) của NASA, chuyên tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt trời.
Cả 3 mặt trời của LTT 1445Ab đều là các ngôi sao lùn. Tuy nhiên, LTT 1445Ab chỉ quay xung quanh 1 trong 3 mặt trời của nó với chu kỳ 5 ngày. Hành tinh này được cho là có kích thước lớn hơn trái đất khoảng 1/3, nhưng gấp 8 lần về khối lượng và nhiệt độ của nó là khoảng 320 độ F (160 độ C).
“Nếu đứng trên bề mặt của hành tinh này, bạn sẽ thấy 3 mặt trời trên bầu trời, nhưng 2 mặt trời ở rất xa và trông nhỏ hơn. Chúng giống như 2 con mắt đỏ ngầu đáng sợ trên bầu trời”, nhà khoa học Jennifer Winters nói với New Scientist.
Vì tương đối gần Trái Đất, LTT 1445Ab có thể được nghiên cứu để tìm kiếm các dấu hiệu tiềm tàng của sự sống ngoài hành tinh.
Các nhà khoa học cho rằng hành tinh này có thể có bầu khí quyền, và họ đang chờ đợi cơ hội kiểm tra xem có các loại khí như CO2 hay không bằng với các công cụ phát hiện mới trong tương lai.
Hình ảnh mô phỏng về hành tinh kỳ lạ
Nghiên cứu mới do tiến sĩ Jennifer Winters từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard – Smithsonian đứng đầu đã vén bức màn bí ẩn về một hành tinh được nuôi dưỡng bởi người mẹ kỳ lạ: LTT 1445Ab.
“Trái đất đá” LTT 1445Ab ở quá gần sao mẹ, quay quanh nó mỗi 5,36 ngày và nhiệt độ bề mặt lên tới 155 độ C. Ước tính lượng ánh sáng nó nhận được gấp 5,1 lần ánh sáng mà trái đất nhận được từ mặt trời. Ở nhiệt độ đó, nước khó lòng tồn tại ở thể lỏng.
Điều đáng mừng nhất là LTT 1445Ab là hành tinh ngoài hệ mặt trời mà người trái đất có thể quan sát rõ ràng nhất từ trước đến nay. Nó không phải ngoại hành tinh gần trái đất nhất, nhưng được chiếu sáng trong điều kiện phù hợp nhất.
Ở các hệ hành tinh gần trái đất khác như HD 210134 (cách trái đất 21 năm ánh sáng) hay TRAPPIST-1 (cách 41 năm ánh sáng, nổi tiếng với 7 “bản sao trái đất”, ngôi sao mẹ hoặc quá sáng đến mức làm lóa hành tinh quay quanh nó, hoặc quá tối khiến các hành tinh trở nên mờ ảo, khó quan sát.
Tú Anh (T/h)