Đà Nẵng: Ngành thuỷ sản hành động giảm rác thải nhựa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:30, 21/10/2019
Ngày 20/10, tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo quốc gia xây dựng Kế hoạch Hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương của ngành thủy sản giai đoạn 2020-2025.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng RTN nhiều nhất trên thế giới, khối lượng RTN thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ tư trên 20 quốc gia cao nhất (theo nghiên cứu của Tiến sĩ Jenna Jambeck năm 2015).
RTN đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Dự tính đến năm 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa. RTN sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào RTN hoăc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Đợt ra quân giảm thiểu rác thải nhựa ở Đà Nẵng.
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu RTN đại dương đến năm 2030. Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý RTN vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo kết quả nghiên cứu Chương trình giám sát rác thải nhựa tại 11 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam của Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) và IUCN trong khoảng thời gian 2 tháng (5-6/2019), các cán bộ thu được 1,3 tấn rác thải khác nhau với mật độ 172 vật rác/m chiều dài.
Rác thải nhựa là thành phần chiếm số lượng và trọng lượng nhiều nhất (92%), tiếp đến là thủy tinh, gỗ, cao su…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có định hướng xây dựng kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa cho ngành thủy sản.
Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên sâu phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khoẻ con ngườI…
Tiến đến năm 2030, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; Giảm thiểu 75 % rác thải nhựa đại phương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; Hoàn thiện và triển khai rộng rãi cơ chế mở rộng (hay tăng cường) trách nhiệm của nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ngư cụ và đóng gói sản phẩm có liên quan đến nhựa, thí điểm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây được xem là một trong những nỗ lực tích cực và cụ thể của Tổng cục Thủy sản trong cuộc chiến chống “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam.
Nhật Lệ (T/h)