Lần đầu tiên phát hiện bụi không gian cực hiếm ở Nam Cực
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:33, 16/08/2019
Hiện nay, bụi vũ trụ, hay còn gọi là bụi liên sao, đang có xu hướng trôi dạt về phía Trái Đất. Chúng là những hạt vật chất cỡ nhỏ phân tán trong không gian, được tạo ra từ quá trình hình thành các ngôi sao hay hành tinh, thậm chí có “tuổi đời” hàng tỷ năm tuổi.
Mây bụi vũ trụ. Ảnh minh họa
Nam Cực là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm những hạt bụi như vậy, bởi vì đây là một trong những khu vực hoang sơ nhất trên Trái Đất, giúp việc tìm kiếm các đồng vị không bắt nguồn từ hành tinh của chúng ta dễ dàng hơn.
Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Australia (thủ đô Canberra, Australia) đã tìm thấy đồng vị bức xạ sắt 60 (Fe-60) – là một trong nhiều biến thể phóng xạ hiếm của sắt.
Tàn tích của Fe-60 cho thấy khả năng trước kia đã có nhiều siêu tân tinh phát nổ ở vùng lân cận Trái Đất trong khoảng thời gian từ 3,2 đến 1,7 triệu năm trước. Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện ra Fe-60 trong tuyết ở Nam Cực. Nó được cho đã rơi xuống cực Nam của Trái Đất từ bầu trời trong vòng 20 năm trở lại đây.
Nếu đúng như vậy, Fe-60 xuất hiện ở Nam Cực sẽ bổ sung vào giả thuyết rằng khu vực thiên hà của chúng ta và cấu tạo đặc biệt của các ngôi sao giữa các vì sao có thể đã được định hình từ các ngôi sao nổ tung.
Các nhà nghiên cứu đã đo tỷ lệ của các đồng vị nguyên tố khác trong mẫu của họ, để đảm bảo đồng vị bức xạ Fe-60 thực sự có nguồn gốc liên sao. Điều này cho phép loại trừ nguồn gốc có thể khác gần, chẳng hạn như đá không gian trong Hệ Mặt Trời của chúng ta được chiếu xạ bằng tia vũ trụ, hoặc thậm chí là thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định điều này.
Tú Anh (T/h)