Cheo cheo xuất hiện ở Việt Nam sau 30 năm
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:30, 14/11/2019
Cheo cheo vẫn sinh trưởng bình thường ở nhiều khu rừng vào những năm 1970, nhưng số lượng cá thể suy giảm nghiêm trọng do săn bắt. Loài động vật được cho rằng đã tuyệt chủng ở Việt Nam gần 30 năm trước. Sự xuất hiện trở lại của loài cheo cheo nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
Nhà sinh vật học Tilker chuyên về động vật hoang dã Đông Nam Á tại Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu và các đồng nghiệp đã đến các khu vực rừng khô ven biển trong vùng lân cận của thành phố biển phía nam Nha Trang, vì nơi đây, vào năm 1910, các mẫu vật khoa học khác đã từng được thu thập. Bẫy máy ảnh trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt của Việt Nam chưa bao giờ ghi lại loài này, vì vậy có thể những con vật này thích môi trường sống trong rừng khô, gai.
Cheo cheo lưng bạc xuất hiện ở Việt Nam sau 30 năm khiến dư luận thích thú
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHVN) cho biết, cheo cheo là loài động vật có kích thước rất nhỏ trong nhóm móng guốc, con trưởng thành cũng chỉ nặng khoảng 3-4 kg. Đặc tính của loài này là hiền lành, dễ bị tổn thương và hay bị các loài động vật khác tấn công.
Loài này sống hiền, có bộ lông đẹp, hình dạng đáng yêu, bắt mắt. Chính bởi lẽ đó, khi loài này còn phổ biến, người ta hay bắt về làm vật nuôi trong gia đình và trong cả vườn thú. Loài này nhỏ, yếu, không quá nhanh nhẹn nên rất dễ bị bắt.
Cheo cheo lưng bạc thường hay được phát hiện ở khu vực Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng trở vào nam còn cheo cheo Javanicus thì thường xuất hiện ở ngoài bắc. Nhưng số lượng cả 2 loài đều đang rất ít, đều nằm trong sách đỏ và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Môi trường sống của cheo cheo là những khu rừng ẩm, có các loại cây, hạt, quả nhỏ mà cheo cheo có thể ăn được và cần xa con người và các loài thú lớn, dữ. Người ta có thể khoanh vùng ở các vùng núi, nhưng không quá cao, chỉ khoảng 700 m so với mực nước biển.
TS Hoàng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết: “Việc phát hiện lại loài cheo cheo lưng bạc mang lại hy vọng lớn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa ở Việt Nam. Nó sẽ khuyến khích Việt Nam, cùng với các đối tác quốc tế, tìm kiếm các loài khác và dành nỗ lực bổ sung để bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước”.
Cheo cheo lưng bạc là động vật có vú đầu tiên được tái phát hiện theo chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu có tên là Tìm kiếm Loài đã mất. Sáng kiến này tìm cách tìm ra khoảng 1.200 loài động vật và thực vật đã mất tích cho khoa học và tiến hành để bảo vệ chúng. Nhiều loài trong số những loài này đang không được chú ý và cần được bảo vệ.
Minh Anh (T/h)