Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 28/10/2019

Moitruong.net.vn – Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm.

Về quan điểm chiến lược đối với CMCN 4.0, Nghị quyết 52 Bộ chính trị đã khẳng định phải: (1) Chủ động, tích cực tham gia; (2) Nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội; (3) Đổi mới tư duy về quản lý kinh tế – xã hội; Và (4) Phát huy tối đa các nguồn lực…

Theo các chuyên gia, các quan điểm nêu trên, phản ánh nhận thức sâu sắc của Đảng ta về CMCN 4.0 đã, đang và sẽ mở ra thời đại mới, bởi những thành tựu vĩ đại mà con người đạt được trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới.

Bước đột phá về hàng loạt công nghệ lõi, khiến cuộc CMCN 4.0 vượt xa các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Lần đầu tiên lao động trí óc của con người được giải phóng, bởi con người đã sản sinh ra “siêu trí tuệ” với công nghệ AI (trí tuệ thông minh nhân tạo) và hàng loạt các siêu phẩm mà trước đó chỉ coi là viễn tưởng.

Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0  của Việt Nam được xây dựng bao gồm 03 yếu tố nền tảng:

Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc CMCN 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công: bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và DN.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực DN để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của DN nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Các mục tiêu nêu trên có vai trò quan trọng bởi chỉ có CMCN 4.0 mới cung cấp các siêu phẩm để tạo ra bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đến mức có chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần quyết liệt tham gia CMCN 4.0 với tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ” có thể “bắt kịp, đi cùng và vượt lên” trong hệ thống kinh tế thế giới.

Minh Anh (t/h)

   

Minh Anh (t/h)