Bao bì nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 01:25, 22/12/2019

Moitruong.net.vn – Sử dụng bao bì nhựa tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, gắn với chủ trương của nhà nước về bảo vệ môi trường.

Chỉ trong vòng 18 năm, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng hơn 10 lần, từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018 và khó có thể giảm trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, có đến 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra mỗi năm; trung bình mỗi ngày, TP HCM và Hà Nội thải ra 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Tiêu thụ nhựa tăng trưởng 10%/năm, thuộc hàng cao nhất trên thế giới và xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN. Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới về thải rác nhựa ra biển và nếu không được tái chế, lượng chất thải nhựa tại Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Đến năm 2021 chợ, siêu thị khu vực thành thị sẽ “nói không” với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần

Tháng 6-2019, Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Cũng trong năm này, ngành công thương ra chỉ thị là đến năm 2021 chợ, cửa hàng, siêu thị tại khu vực thành thị nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ngành y tế cũng ra chỉ thị giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Các DN sản xuất, kinh doanh cũng tích cực tham gia chương trình giảm thiểu rác thải từ túi nhựa, túi ni-lông sử dụng 1 lần bằng cách thay đổi thiết kế bao bì, sử dụng vật dụng bao gói, đựng thực phẩm bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường như lá chuối, dây lạt, khay đựng bằng bã mía, bột ngô… Đến nay, gần như 100% siêu thị đã sử dụng túi ni-lông tự hủy thay cho túi ni-lông thông thường. Một số nhà bán lẻ còn có chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi môi trường khi đi mua sắm tại siêu thị, khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, tăng cường các sản phẩm xanh tới người tiêu dùng.

Các DN tái chế nhựa cần tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các chính sách, quy chuẩn do nhà nước ban hành; có sự đầu tư thích đáng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường, lập bộ phận chuyên môn về môi trường vận hành và bảo trì các hệ thống; Lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín; kinh nghiệm; thiết kế; gia công và lắp đặt các hệ thống xử lý hiệu quả; khả thi; vận hành và bảo trì đúng theo thiết kế cũng như nên di dời hay đầu tư mới vào các KCN; CCN chuyên ngành.

Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng cần hiểu đúng, không đưa những thông tin bài bác về lĩnh vực xử lý; sử dụng và tái chế nhựa phế liệu để có thông tin kịp thời; chính xác giúp cơ quan quản lý có thông tin cần thiết. Cộng đồng cũng cần ủng hộ các DN hoạt động đúng pháp luật; có hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường trong công tác tái chế nhựa tại Việt Nam.

Minh Anh (t/h)

Minh Anh (t/h)